Vốn hoá của hãng xe Ford lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD

Điệp Vũ
Giá trị vốn hoá thị trường của Ford đã vượt mốc 100 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử...
CEO Jim Farley của Ford - Ảnh: Reuters.
CEO Jim Farley của Ford - Ảnh: Reuters.

Giá trị vốn hoá thị trường của Ford đã vượt mốc 100 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử, khi giá cổ phiếu hãng sản xuất ô tô Mỹ này lập đỉnh mới trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (13/1).

Theo tin từ CNBC, cổ phiếu Ford có lúc tăng 5,7% trong phiên này, đạt 25,87 USD/cổ phiếu, cao nhất hơn 20 năm. Lúc đóng cửa, cổ phiếu Ford đạt 25,02 USD/cổ phiếu, tăng 2,3%. Ở mức đỉnh của phiên, vốn hoá của Ford đạt hơn 100 tỷ USD, nhưng lúc đóng cửa, con số là 99,99 tỷ USD.

Đà tăng của cổ phiếu Ford được “tiếp lửa” bởi kế hoạch đẩy mạnh phát triển và sản xuất ô tô chạy điện, bao gồm mẫu crossover Mustang Mach-E và phiên bản điện hoá dự kiến được bán ra thị trường vào mùa xuân này của F-150, mẫu pickup bán chạy nhất của hãng.

Phát triển xe điện là một phần trong nỗ lực tái cơ cấu mang tên Ford+ mà CEO Jim Farley theo đuổi kể từ khi trở thành nhà điều hành cấp cao nhất của Ford vào tháng 10/2020.

Giá cổ phiếu Ford đã tăng 146% trong vòng 1 năm qua - Nguồn: NYSE.
Giá cổ phiếu Ford đã tăng 146% trong vòng 1 năm qua - Nguồn: NYSE.

Ở mức vốn hoá hiện tại, Ford đắt giá hơn đối thủ đồng hương General Motors (GM) – hãng xe đang có vốn hoá khoảng 90 tỷ USD, và cả startup xe điện Rivian Automotive – công ty có vốn hoá 72 tỷ USD. Khi mới chào sàn hồi tháng 11, Rivian nhanh chóng đạt ngưỡng vốn hoá 100 tỷ USD, nhưng không duy trì được lâu.

Trong bảng xếp hạng vốn hoá các hãng sản xuất ô tô Mỹ hiện nay, Ford vẫn bị hãng xe điện Tesla dẫn trước một khoảng cách rất lớn. Vốn hoá của Tesla hiện ở mức hơn 1 nghìn tỷ USD.

“Chiến lược phát triển xe điện của Ford đã thu hút sự quan tâm rất lớn của thị trường chứng khoán. Điều này khiến chúng tôi ngạc nhiên”, nhà phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley phát biểu. “Tuy nhiên, ở thời điểm này, chúng tôi tin rằng rủi ro mà Ford và ngành sản xuất ô tô phải đối mặt đang tăng nhanh hơn cơ hội”.

Những thách thức đối với Ford mà ông Jonas chỉ ra bao gồm bản chất chu kỳ cố hữu của ngành công nghiệp ô tô có thể quay trở lại, khó khăn trong việc sản xuất ô tô điện trên quy mô lớn, và sự xuất hiện đông đảo của những mẫu ô tô điện cạnh tranh với xe của Ford.

Tin mới

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.