Vượt Warren Buffett, tỷ phú năng lượng Ấn Độ thành người giàu thứ 5 thế giới

Trang Linh
Theo ước tính của Forbes tới ngày 23/4, tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani hiện sở hữu tài sản 123,7 tỷ USD, nhiều hơn so với 121,7 tỷ USD của ông Buffett...
Tỷ phú Gautam Adani - Ảnh: Forbes
Tỷ phú Gautam Adani - Ảnh: Forbes

Sau khi trở thành người giàu nhất châu Á vào đầu tháng này, tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani vừa vượt qua huyền thoại đầu tư Warren Buffett thành người giàu thứ 5 thế giới.

Theo ước tính của Forbes tới ngày 23/4, tỷ phú 59 tuổi hiện sở hữu tài sản trị giá 123,7 tỷ USD, nhiều hơn so với 121,7 tỷ USD của ông Buffett.

Ông Adani là người sáng lập, chủ tịch của Adani Group – “đế chế” kinh doanh hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ cảng biển cho tới năng lượng. Adani Group hiện có 6 công ty con đang niêm yết tại Ấn Độ. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của các công ty này đã tăng từ 19-195% khi Adani Group liên tục mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng, truyền thông, sân bay…

Đầu tháng này, công ty International Holding Co. do anh trai của thái tử Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) điều hành đã đầu tư 2 tỷ USD vào 3 công ty năng lượng xanh của ông Adani. Tỷ phú này từng chia sẻ ông muốn trở thành nhà sản xuất năng lượng xanh lớn nhất thế giới và đặt mục tiêu đầu tư tới 70 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo.

Là con trai của một nhà buôn vải, ông Adani bỏ dở đại học và mở một công ty xuất khẩu hàng hóa vào năm 1988. Năm 2008, ông lần đầu lọt vào xếp hạng tỷ phú của tạp chí Forbes với tài sản 9,3 tỷ USD. Phần lớn khối tài sản trăm tỷ USD của tỷ phú này được tích lũy trong hai năm qua khi ông đưa tập đoàn của mình chuyển hướng sang lĩnh vực năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư từ các công ty như Total SE của Pháp và Warburg Pincus của Mỹ.

Việc tập trung mở rộng sang các lĩnh vực mà chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi xem là trọng yếu với công cuộc xây dựng đất nước và đáp ứng các mục tiêu kinh tế dài hạn của Ấn Độ đã mang lại “trái ngọt” cho ông Adani. Một số cổ phiếu công ty con của Adani Group đã tăng giá tới hơn 1.000% kể từ năm 2020.

Tài sản của tỷ phú này bắt đầu tăng vọt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, sau khi ông mở rộng “đế chế” của mình với nhiều thương vụ thâu tóm lớn trong năm 2020, bao gồm mua lại 74% cổ phần của sân bay quốc tế Mumbai – sân bay đông khách thứ hai tại Ấn Độ hay mua công ty con năng lượng tái tạo của tập đoàn Nhật Bản SoftBank ở Ấn Độ với giá 3,5 tỷ USD.

Ngày 23/4, ông Adani đạt thỏa thuận mua lại công ty dịch vụ hàng hải lớn nhất Ấn Độ Ocean Sparkle với giá 220 triệu USD.

Từ 8,9 tỷ USD hai năm trước, tài sản của ông Adani đã tăng vọt lên khoảng 50,5 tỷ USD vào tháng 3/2021 và tới tháng 3 năm nay đạt khoảng 90 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu các công ty con tiếp tục tăng.

Hiện tại, ông sở hữu tài sản 123,7 tỷ USD, là người giàu nhất Ấn Độ, nhiều hơn 19 tỷ USD so với người giàu thứ 2 - Mukesh Ambani (tài sản 104,7 tỷ USD).

Hiện tại, ông Adani giàu thứ 5 thế giới, chỉ sau ông Elon Musk – CEO hãng xe điện Tesla – với 269,7 tỷ USD; Jeff Bezos – người đồng sáng lập Amazon – với 170,2 tỷ USD; ông trùm thời trang xa xỉ Pháp Bernard Arnault với 167,9 tỷ USD và Bill Gates – người đồng sáng lập Microsoft – với 130,2 tỷ USD, theo Forbes.

Ông Buffett tuột khỏi top 5 người giàu nhất hành tinh sau khi giá cổ phiếu công ty Berkshire Hathaway của ông giảm 2% ngày 23/4 trong xu thế giảm giá của thị trường chứng khoán Mỹ phiên hôm đó.

Tin mới

Xe điện tự lái trong tương lai có thể tự sạc điện sẽ như thế nào?

Xe điện tự lái trong tương lai có thể tự sạc điện sẽ như thế nào?

Các cột mốc quan trọng đối với ô tô tự lái, đầu tiên là dưới dạng robotaxi, liên tục được ghi nhận. Khi sự xuất hiện phổ biến của công nghệ ngày càng gần hơn và các phương tiện gần như chạy hoàn toàn bằng điện, câu hỏi về cách chúng được sạc như thế nào là đề tài nhận được nhiều sự quan tâm.
Vì sao Xiaomi quyết tâm nhảy vào thị trường xe điện?

Vì sao Xiaomi quyết tâm nhảy vào thị trường xe điện?

Xiaomi, một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã nhảy vào thị trường xe điện, tung ra mẫu xe có giá chỉ bằng một nửa so với xe điện do Tesla của Mỹ và Porsche của Đức cung cấp, mặc dù mang lại hiệu suất tốt hơn các thương hiệu uy tín đó.
#Auto Hashtag: Bí ẩn đằng sau quyết định sa thải hàng loạt nhân sự của ông chủ Tesla

#Auto Hashtag: Bí ẩn đằng sau quyết định sa thải hàng loạt nhân sự của ông chủ Tesla

Một sự kiện gây xôn xao làng xe thế giới những ngày gần đây: Tỷ phú Elon Musk, ông chủ Tesla vừa quyết định sa thải 500 nhân sự ở mảng kinh doanh trạm sạc Supercharger. Lý do nào đi đến quyết định bất ngờ này? Elon Musk đang suy tính điều gì? Và việc kinh doanh dịch vụ trạm sạc có còn là “miếng bánh ngọt” dành cho các hãng ô tô trên thế giới cũng như tại Việt Nam hay không? Hãy cùng chúng tôi phân tích chủ đề này trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay!