Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gay gắt

Thanh Thủy
Từ đầu tháng 4/2024 đến nay, xâm nhập mặn vùng ven biển gia tăng, một số thời điểm độ mặn tăng cao đột biến gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long…
Xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng ĐBSCL. Ảnh minh họa.
Xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng ĐBSCL. Ảnh minh họa.

Báo cáo về công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dẫn số liệu của Ủy hội sông Mekong quốc tế (Mekong River Commission - MRC) cho thấy trước năm 2012, tác động từ thượng nguồn đến vùng còn nhỏ, dòng chảy gần với quy luật tự nhiên.

Song đến năm 2024, các quốc gia đã xây dựng 128 hồ (13 hồ trên dòng chính, 115 hồ trên dòng nhánh) với dung tích khoảng 88 tỷ m3, dự kiến tăng lên 90 - 95 tỷ m3 vào năm 2030 và sẽ đạt 120 tỷ m3 khi hoàn thành 231 hồ theo quy hoạch giai đoạn 2040 - 2060.

Trong tương lai, khi các nước ở thượng nguồn hoàn thành hồ chứa theo quy hoạch, cùng với nước biển dâng, biến đổi khí hậu, hạ thấp lòng dẫn sông, xâm nhập mặn có xu thế gay gắt, bất thường hơn. Mức độ xâm nhập sâu vào đất liền phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 5 - 7 km; các đợt hạn mặn nghiêm trọng như mùa khô năm 2015 - 2016, 2019 - 2020 xuất hiện thường xuyên hơn.

Đồng thời, xâm nhập mặn có xu hướng ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long sớm hơn trước đây 1 - 1,5 tháng. Trước năm 2012, mặn thường đến từ tháng 2 đến 4, đỉnh mặn vào cuối tháng 3 - 4, là tháng có dòng chảy kiệt nhất. Hiện nay, những năm dòng chảy thượng nguồn về thấp, xâm nhập mặn xuất hiện từ cuối tháng 12 năm trước, đỉnh mặn vào tháng 2 hoặc đầu tháng 3.

Từ đầu tháng 4/2024 đến nay, xâm nhập mặn vùng ven biển gia tăng, một số thời điểm độ mặn tăng cao đột biến. Như ngày 18 - 22/4, tại cầu Cái Tư (sông Cái Lớn) độ mặn hơn 3-4 g/lít, tại Bắc Hồng Dân hơn 10 g/lít, ảnh hưởng đến lấy nước cho sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Cục Thủy lợi lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là nguồn nước thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long tháng 4/2024 ở mức thấp, kết hợp với nắng nóng kéo dài, lượng nước bốc hơi cao. Các địa phương đồng loạt xuống giống vụ hè thu làm mực nước nội đồng giảm nhanh.

Bên cạnh đó, công trình phân ranh nguồn nước nội vùng chưa hoàn thiện, nước mặn từ Biển Đông qua hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp phục vụ nuôi trồng thủy sản cho tỉnh Bạc Liêu đã làm gia tăng độ mặn nguồn nước của hệ thống Cái Lớn - Cái Bé.

Nhìn chung, so với các đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2015 - 2016, 2019 - 2020, chiều sâu ranh mặn 4 g/lít của đợt mặn 2023-2024 ở mức thấp hơn. Tuy nhiên, do thiếu hụt lượng mưa, đặc biệt nhiều nơi cả tháng không có mưa, kết hợp với nắng nóng liên tục đã làm gia tăng tác động ở một số địa phương, nhất là Cà Mau.

Theo thống kê, đến nay Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.580 ha lúa (Sóc Trăng 1.530 ha, Bến Tre 50 ha), 4.640 ha chanh và cây ăn trái khác tại Long An có nguy cơ giảm năng suất. 43 ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng. Khoảng 73.900 hộ (2,1% số hộ dân nông thôn) bị thiếu nước sinh hoạt tập trung tại bảy tỉnh Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, thấp hơn so với năm 2019 - 2020 (96.000 hộ).

Nguồn nước cạn kiệt đã gây sụt lún đất, sạt lở ven kênh, rạch, đường giao thông kết hợp ven bờ kênh tại các vùng ngọt hóa ở Cà Mau, Kiên Giang. Tổng cộng đã có 901 điểm sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài 23,4 km (Cà Mau 601 điểm, dài 15,9 km; Kiên Giang 310 điểm, dài 7,5 km).

Dự báo, ở vùng các cửa sông Cửu Long, từ tháng 5 xâm nhập mặn giảm, không còn ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đầu tháng 6. Ở vùng sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn có xu thế tăng, khả năng đạt đỉnh cao nhất vào ngày 23 - 27/4 hoặc 6 - 10/5 và duy trì ở mức cao đến hết tháng 5. Từ cuối tháng 6, hạn mặn giảm nhanh.

Giữa tháng 4 vừa qua, Long An công bố xâm nhập mặn khẩn cấp, độ mặn từ 1 đến 4 phần nghìn xâm nhập sâu vào hệ thống sông Vàm Cỏ, tỉnh Long An công bố rủi ro thiên tai xâm nhập mặn cấp 4 (độ rủi ro rất lớn).

Trước Long An, hai tỉnh Tiền Giang và Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, xâm nhập mặn. Sau công bố, các đơn vị liên quan triển khai ngay những biện pháp ứng phó để ngăn chặn và khắc phục nhanh hậu quả.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.