Yên Nhật vẫn là đồng tiền chính trong “carry trade” dù BOJ nâng lãi suất

An Huy
Quan điểm của BOJ khiến các nhà giao dịch ồ ạt quay trở lại với “carry trade” - giao dịch chênh lệch lãi suất - với đồng yên giữ vai trò đồng tiền cấp vốn (funding currency)...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Kỷ nguyên lãi suất thấp của Nhật đã chấm dứt, nhưng nhiều nhà giao dịch tin rằng lãi suất chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ còn giữ ở mức thấp trong thời gian dài. Điều này đồng nghĩa họ tiếp tục đặt cược vào sự mất giá của đồng yên sau khi BOJ tiến hành đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm.

Hôm thứ Ba tuần này, BOJ nâng lãi suất khỏi trạng thái âm, đưa lãi suất ngắn hạn từ -0,1% lên 0-0,1%, một động thái được đánh giá là mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, cơ quan này duy trì một lập trường mềm mỏng và cho biết dự kiến sẽ giữ “điều kiện tài chính nới lỏng”.

Quan điểm của BOJ khiến các nhà giao dịch ồ ạt quay trở lại với “carry trade” - giao dịch chênh lệch lãi suất - với đồng yên giữ vai trò đồng tiền cấp vốn (funding currency), tức đồng tiền có lãi suất thấp hơn, được vay để mua vào những đồng tiền có lãi suất cao hơn. Giao dịch “carry trade” càng khiến áp lực mất giá đối với đồng yên lớn hơn.

“Nhật Bản vẫn là nền kinh tế có mức lãi suất thấp nhất trong nhóm G10. Bởi vậy, khi yếu tố rủi ro sự kiện đã không còn, đây được xem là một cơ hội để quay trở lại với giao dịch ‘carry trade’ đối với đồng yên Nhật”, trưởng bộ phận dịch vụ đầu tư thị trường châu Á của công ty quản lý tài sản BNP Paribas Wealth Management, ông Shafali Sachdev, nhận định với hãng tin Reuters.

Theo Reuters, một vị thế ‘carry trade’ trong đó nhà đầu tư vay đồng yên để đầu tư vào đồng UDS trong 3 tháng có thể mang lại mức lợi tức tương đương 5%/năm. Việc nhà đầu tư ồ ạt vay đồng yên cho “carry trade” đã được phản ánh rõ qua tỷ giá đồng yên sau khi BOJ công bố quyết định nâng lãi suất vào hôm thứ Ba tuần này.

Hôm thứ Tư, đồng yên rớt giá xuống mức thấp nhất 4 tháng so với USD, thấp nhất 16 năm so với đồng euro, và thấp nhất so với đồng bảng Anh kể từ năm 2015. Ngày thứ Sáu, yên tiếp tục giảm giá, với tỷ giá yên/USD xuống gần mức đáy gần 3 thập kỷ thiết lập vào năm 2022. Từ sau quyết định lãi suất của BOJ đến nay, đồng yên đã rớt giá khoảng 1% so với USD.

Sức ép mất giá đối với đồng yên gia tăng thêm khi đồng USD tỏ rõ ưu thế và tăng mạnh, bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Tư tuyên bố giữ nguyên dự kiến cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay.

Trong 2 năm qua, đồng USD nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát của Fed. Vào cuối năm ngoái, nhiều chuyên gia đã dự báo xung lực tăng của USD sẽ mất dần trong năm nay, khi Fed tiến tới xoay trục chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, bất kỳ đợt giảm giá nào của USD từ đầu năm đến nay cũng không kéo dài.

Hôm thứ Tư tuần này, sau khi Fed đưa ra dự báo về lãi suất, USD đã rớt giá. Nhưng chỉ chưa đầy 24 giờ sau, đồng bạc xanh đã tăng giá mạnh trở lại sau khi Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) bất ngờ hạ lãi suất và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phát tín hiệu mềm mỏng. Giới đầu tư đã bán mạnh đồng franc Thuỵ Sỹ và bảng Anh để mua vào USD. Mức độ đặt cược của thị trường vào khả năng giảm lãi suất vào tháng 6 đang cao hơn đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và BOE, và thấp hơn đối với Fed.

“Không phải Fed giảm lãi suất là đồng USD mất giá, vì ECB và các ngân hàng trung ương khác trong nhóm G10 cũng có thể giảm lãi suất, thậm chí giảm nhiều hơn Fed”, ông Rob Carnell, trưởng nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng ING nhận định với Reuteres.

Giới chuyên gia cho rằng điều này sẽ gây áp lực mất giá không chỉ lên đồng yên Nhật mà cả đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, theo đó sẽ khiến ngân hàng trung ương các nước này gặp khó trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Riêng đối với đồng yên, khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và các nền kinh tế phát triển khác vẫn còn rất lớn. Lãi suất quỹ liên bang của Fed đang ở mức 5,25-5,5%, còn lãi suất ở các nền kinh tế lớn khác cũng đều trên 4%. Chừng nào chênh lệch lãi suất còn lớn, đồng yên còn là đối tượng chính của “carry trade” và áp lực mất giá đồng yên càng nhân lên. Kể từ mức cao ghi nhận vào tháng 1/2023, tỷ giá yên so với USD hiện đã giảm 16%.

“Bất cứ khi nào Fed và BOJ có động thái chính sách gần cùng một thời điểm, Fed và đồng USD luôn chiếm ưu thế”, chiến lược gia Gareth Berry của Macquarie Group nhận định.

Tuy nhiên, một báo cáo của ngân hàng HSBC dự báo áp lực bán tháo đồng yên rốt cục sẽ dịu đi khi Fed bắt đầu hạ lãi suất. Nếu đồng USD giảm giá và đồng yên tăng giá, lợi tức của giao dịch “carry trade” sẽ bị xói mòn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ngay cả việc BOJ chấm dứt lãi suất âm cũng chưa thể đảo ngược xu thế giảm của đồng yên.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.