1,5 nghìn tỷ USD vốn hoá “bốc hơi” khỏi những cổ phiếu nóng nhất thời Covid

Bình Minh
Từ cuối 2020 đến hiện tại, nhóm 50 công ty “đại thắng” trong thời kỳ đầu của đại dịch đã mất hơn 1,5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hoá, tương đương giảm hơn 1/3...
Cổ phiếu Zoom đã tăng hơn 400% trong năm 2020, nhưng đã giảm hơn 80% từ cuối 2020 đến nay - Ảnh: Reuters.
Cổ phiếu Zoom đã tăng hơn 400% trong năm 2020, nhưng đã giảm hơn 80% từ cuối 2020 đến nay - Ảnh: Reuters.

50 công ty có giá cổ phiếu tăng mạnh nhất trong đại dịch Covid-19 đã mất tổng cộng khoảng 1,5 nghìn tỷ USD vốn hoá thị trường từ cuối năm 2020 đến nay, khi nhà đầu tư quay lưng lại với nhiều cổ phiếu đã tăng giá bùng nổ ở những ngày đầu phong toả chống dịch.

Theo dữ liệu từ công ty S&P Global, các doanh nghiệp công nghệ chiếm đa số trong danh sách 50 công ty có giá trị vốn hoá thị trường từ 10 tỷ USD ghi nhận mức tăng giá cổ phiếu tính theo phần trăm mạnh nhất trong năm 2020.

Tuy nhiên, từ cuối 2020 đến hiện tại, nhóm 50 công ty “đại thắng” trong thời kỳ đầu của đại dịch đã mất hơn 1,5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hoá, tương đương giảm hơn 1/3 - theo ước tính của tờ Financial Times.

Trong đó, công ty dịch vụ hội nghị trực tuyến Zoom - sau khi chứng kiến giá cổ phiếu tăng 765% trong năm 2020 khi các công ty chuyển sang chế độ làm việc từ xa để thích ứng với giãn cách xã hội - đã trở thành một trong những doanh nghiệp có giá cổ phiếu giảm sâu nhất. Từ cuối năm 2020 đến nay, cổ phiếu Zoom đã giảm khoảng 80%, tương đương mất hơn 77 tỷ USD giá trị vốn hoá thị trường.

Công ty truyền thông đám mây RingCentral cũng có giá cổ phiếu tăng chóng mặt trong thời kỳ bùng nổ xu hướng làm việc từ xa vào năm 2020, nhưng từ cuối 2020 đến nay đã giảm khoảng 90% do phải cạnh tranh với những “gã khổng lồ” như Alphabet và Microsoft.

Hãng sản xuất xe đạp tập luyện Peloton là một cái tên khác phải kể đến, với giá cổ phiếu giảm hơn 97% từ cuối 2020 đến nay, tương đương mất 43 tỷ USD vốn hoá thị trường. Mới đây, Peloton tuyên bố CEO Barry McCarthy sẽ từ chức và hãng sẽ giảm 15% số nhân viên - động thái mới nhất trong nỗ lực cắt giảm chi phí.

Sự sụt giảm giá trị cổ phiếu của những công ty này diễn ra khi những xu hướng như họp trực tuyến và mua sắm trực tuyến do tác động của phong toả chống dịch đã không kéo dài như kỳ vọng. Ngày càng có nhiều người lao động quay trở lại văn phòng làm việc, trong khi lãi suất cao và chi phí sinh hoạt cao ảnh hưởng tới nhu cầu mua sắm trên mạng.

“Một số công ty có lẽ đã nghĩ rằng cú sốc đại dịch sẽ kéo dài mãi. Bây giờ, họ phải chứng kiến điều ngược lại”, nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của công ty TS Lombard, ông Steven Blitz, nhận định.

Xét theo tỷ lệ phần trăm tăng giá cổ phiếu, Tesla là công ty thắng lớn nhất trong năm 2020. Giá trị vốn hoá thị trường của nhà sản xuất ô tô điện này đã tăng 787% lên 669 tỷ USD vào cuối tháng 12 năm đó, nhưng kể từ đó đã giảm, hiện còn 589 tỷ USD.

Công ty internet Sea có trụ sở tại Singapore - công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee -  đứng thứ hai về mức tăng trưởng giá cổ phiếu. Giá trị vốn hoá của Sea đã tăng từ 19 tỷ USD lên 102 tỷ USD khi cả ba mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty gồm trò chơi, thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số đều tăng trưởng bùng nổ trong đại dịch. Nhưng sau đó, công ty đã mất hơn 60% giá trị kể từ cuối năm 2020 đến nay, do mối lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Top 10 công ty có mức tăng giá cổ phiếu mạnh nhất năm 2020 - Nguồn: FT.
Top 10 công ty có mức tăng giá cổ phiếu mạnh nhất năm 2020 - Nguồn: FT.

Các công ty thương mại điện tử Shopify, JD.com và Chewy, sau một thời gian phát triển mạnh nhờ chi tiêu trực tuyến tăng vọt, cũng hứng chịu những cú giảm chóng mặt.

Hy vọng về vaccine và nhu cầu điều trị y tế đã thúc đẩy giá cổ phiếu của các hãng dược phẩm phương Tây như Moderna và Pfizer vào năm 2020, cũng như cổ phiếu của các công ty dược phẩm ít được biết đến hơn của Trung Quốc như WuXi Biologics, Chongqing Zhifei Biological Products, và Alibaba Health Information Technology.

Tuy nhiên, thành quả tăng giá cổ phiếu trong thời kỳ đại dịch của nhiều nhà sản xuất vaccine đã bị đảo ngược do các nhà đầu tư trở nên lo ngại về nhu cầu khó lường đối với vaccine. Pfizer hiện đã để mất hoàn toàn mức tăng trưởng giá cổ phiếu đạt được trong năm 2020 và 2021, dù hãng phát triển được một loại vaccine ngừa Covid được sử dụng rộng rãi thông qua hợp tác công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức.

Trong số 50 công ty có giá cổ phiếu tăng mạnh nhất năm 2020, hiện chỉ có 7 công ty chứng kiến giá cổ phiếu tiếp tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay. Các doanh nghiệp này bao gồm nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD, tập đoàn an ninh mạng CrowdStrike, công ty phần mềm The Trade Desk và Datadog, nhà mạng T-Mobile, công ty công nghệ Trung Quốc CATL, và sàn thương mại điện tử Mỹ Latin Mercado Libre.

Một số công ty khác không nằm trong top 50 - bao gồm hãng chip Nvidia và hãng thương mại điện tử Amazon, lần lượt xếp thứ 54 và 100 trong số những công ty có giá cổ phiếu tăng mạnh nhất năm 2020 - tiếp tục chứng kiến giá cổ phiếu tăng mạnh sau đó. Chẳng hạn, giá trị vốn hoá thị trường của Nvidia đã tăng thêm hơn 1,9 nghìn tỷ USD kể từ cuối năm 2020 nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI).

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.