4 đề xuất của các nhà sản xuất ôtô Nhật

Hiroyuki Nakamura
Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản (JAMA) đưa ra 4 đề xuất để thảo luận với Chính phủ Việt Nam
Năm 2007, Việt Nam có 770.000 xe ôtô con lưu hành (đạt tỷ lệ 8 xe ôtô con/1.000 dân) - Ảnh: Đức Thọ.
Năm 2007, Việt Nam có 770.000 xe ôtô con lưu hành (đạt tỷ lệ 8 xe ôtô con/1.000 dân) - Ảnh: Đức Thọ.
Ngày 21/8/2008, hội thảo “Chuẩn bị cho việc bùng nổ nhu cầu sử dụng ôtô (Motorization) tại Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức với Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Ôtô Việt Nam 2008.

Tại hội thảo này, ông Hiroyuki Nakamura, Trưởng văn phòng đại diện châu Á của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản (JAMA), đã đưa ra 4 đề xuất để thảo luận giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản. Chúng tôi xin giới thiệu nội dung ý kiến của ông để độc giả tham khảo.

Tại Nhật Bản, ngành công nghiệp ôtô và các ngành công nghiệp phụ trợ thu hút khoảng 5 triệu nhân công, chiếm khoảng 8% tổng số nhân công của Nhật Bản.

Vị trí của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trên thế giới: năm 2007, Việt Nam có 770.000 xe ôtô con lưu hành (đạt tỷ lệ 8 xe ôtô con/1.000 dân), tỷ lệ sở hữu này xếp thứ 50 trong tổng số 52 quốc gia sản xuất ôtô.

Với dân số là 85 triệu người, tốc độ phát triển kinh tế đạt mức 8% trong những năm gần đây, có thể nói Việt Nam có tiềm năng rất lớn để mở rộng thị trường ôtô; so sánh với các quốc gia sản xuất ôtô lớn khác, sản lượng và số lượng bán xe ở Việt Nam rất nhỏ (đứng thứ 39 trong số 52 quốc gia sản xuất ôtô trên thế giới).

Để phát triển bất cứ ngành công nghiệp nào, điều rất quan trọng là cần phải có quy mô sản xuất đủ lớn. Ngành công nghiệp ôtô ở Việt Nam hiện nay là quá nhỏ, không thể có được lợi thế từ quy mô. Vậy thì số lượng sản xuất bao nhiêu thì có được lợi thế về quy mô?

Theo nghiên cứu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản năm 1995, ví dụ như việc sản xuất máy phát điện cho ôtô cần số lượng khoảng 1,25 triệu xe mỗi năm để có được lợi thế về quy mô. Các linh kiện khác cũng yêu cầu có số lượng sản xuất từ 300.000 đến 1 triệu xe mỗi năm. Rất tiếc là không có linh kiện nào của ôtô có số lượng sản xuất đủ lớn ở Việt Nam. Khả năng cạnh tranh về chi phí hiện nay của Việt Nam là rất yếu.

Gần đây có một vài sự thay đổi đột ngột về chính sách. Ví dụ như việc bãi bỏ việc cấm xe nhập khẩu đã qua sử dụng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Các nhà sản xuất đã có đầu tư lớn tại Việt Nam lo lắng rằng những chính sách không ổn định này sẽ làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng thị trường. Những chính sách này còn có những ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà cung cấp linh kiện và các đại lý.

Chúng tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam có thêm đối thoại với các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam khi dự thảo các chính sách cho ngành ôtô hay phục vụ cho việc tăng cường môi trường kinh doanh.

Tôi xin đưa ra 4 đề xuất để thảo luận giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản.

Đầu tiên, chúng tôi hiểu rằng Chính phủ Việt Nam đang có dự định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm 40%. Trước đây, sau các buổi hội đàm với Chính phủ Việt Nam, mức thuế tiêu thụ đặc biệt trong khoảng 15-50% vào năm 2006. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm giảm tốc độ mở rộng thị trường. Sự thay đổi chính sách đột ngột này cũng sẽ làm giảm việc thúc đẩy đầu tư.

Hơn thế nữa, chúng tôi quan ngại rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đi ngược lại với nhu cầu của người tiêu dùng về phương tiện giao thông thuận tiện này. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ lắng nghe những yêu cầu từ các nhà sản xuất ôtô của Nhật Bản trước khi quyết định về chính sách.

Đề xuất thứ hai, Chính phủ Việt Nam mới đây đã quyết định tăng phí trước bạ. Việc tăng phí trước bạ cũng sẽ làm giảm tốc độ mở rộng thị trường. Theo những gì chúng tôi được biết quyết định này được thông qua mà không đưa ra lấy ý kiến của nhân dân. Những sự thay đổi đột ngột này về chính sách có thể làm yếu đi động lực đầu tư của các nhà sản xuất ôtô.

Trong tương lai trước khi điều chỉnh, chúng tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam lắng nghe ý kiến của các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản tại Việt Nam.

Đề xuất thứ ba, chúng tôi hiểu rằng Chính phủ Việt Nam áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động này nhằm đạt được các số liệu thống kê về số lượng nhập khẩu. Song chúng tôi quan ngại rằng: nó sẽ làm cho các thủ tục nhập khẩu trở nên phức tạp hơn; với những thủ tục mới này, thời hạn giao hàng sẽ kéo dài thêm khoảng 10 ngày. Điều này có thể sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến công việc kinh doanh ở Việt Nam.

Chúng tôi lo lắng rằng giấy phép nhập khẩu tự động sẽ được sử dụng như hệ thống hạn ngạch. Việc áp dụng hạn ngạch sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh tại Việt Nam và cũng sẽ vi phạm các quy định của WTO. Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ tuân thủ các quy định của WTO.

Đề xuất thứ tư, về sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Việt Nam cần có chính sách minh bạch trong việc khuyến khích phát triển không chỉ xe tải, xe bus mà còn cho cả xe dưới 9 chỗ. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông cho những loại phương tiện này là cần thiết. Những vấn đề này cần được tiếp tục thảo luận khi xem xét từ trung hạn đến dài hạn. Chúng tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam có các đối thoại về vấn đề này trong sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản với nhóm làm việc 6 và 7.

JAMA đề xuất Chính phủ Việt Nam tận dụng việc giảm thuế trong hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược Việt Nam - Nhật Bản để phát triển ngành công nghiệp ôtô. Chúng tôi xin đề xuất Việt Nam nên nhập khẩu các linh kiện chính của ôtô từ Nhật Bản ở mức thuế suất thấp hoặc bằng 0 cho tới khi nào ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đạt được quy mô sản xuất nhất định.

Bằng cách này, khả năng cạnh tranh về chi phí của xe ôtô được sản xuất tại Việt Nam có thể được tăng cường. Nếu như chi phí sản xuất và giá xe giảm, thị trường ôtô sẽ được mở rộng, lúc đó sẽ lại tăng cường việc mua các linh kiện trong nước và việc sản xuất xe trong nước. Linh kiện có tính cạnh tranh của Việt Nam sau đó có thể được xuất khẩu sang các nước ASEAN khác.

Hơn thế nữa, nếu thuế áp dụng cho xe nguyên chiếc không sản xuất tại Việt Nam giảm xuống, sẽ có thêm sự lựa chọn để làm hài lòng nhu cầu của người dân. Kết quả là thị trường sẽ được mở rộng. Vì vậy, ngành công nghiệp ôtô sẽ được hưởng lợi từ hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược với Nhật Bản sẽ sớm được ký kết trong thời gian tới.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã quyết định tiếp tục nỗ lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam với tư cách là thành viên của xã hội, chúng tôi rất mong sẽ nhận được sự đồng cảm và hợp tác của các bạn.

Tin mới

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon có thể là một khái niệm xa lạ và không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc. Trên thế giới, khái niệm này đã được nhiều quốc gia áp dụng và nhiều công ty đã thu được nguồn lợi không nhỏ.
Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.