Chuyến công tác có ý nghĩa đặc biệt của Thủ tướng tới Mỹ

Tiến Dũng
Chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Mỹ kể từ sau Đại hội XIII của Đảng, dự kiến từ 11/5 đến 17/5...
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường sang Mỹ dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ và làm việc tại Liên hợp quốc - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường sang Mỹ dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ và làm việc tại Liên hợp quốc - Ảnh: VGP

Chiều ngày 10/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ trong hai ngày 12 và 13/5 tại Thủ đô Washington D.C., Mỹ theo lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Mỹ Joseph Robinette Biden Jr; đồng thời thăm, làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc từ ngày 11-17/5.

THÚC ĐẨY QUAN HỆ MỸ-ASEAN

Đây là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Mỹ kể từ sau Đại hội XIII của Đảng. Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ lần này cũng là hoạt động đối ngoại đầu tiên của ASEAN diễn ra bên ngoài lãnh thổ ASEAN kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính  trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, tự tin mở cửa trở lại, triển khai chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chuyến công tác thực hiện đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tiếp tục triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Kết luận 12–KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Đây là cũng là chuyến công tác diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác ASEAN-Mỹ  được thiết lập từ năm 1977, trải qua nhiều giai đoạn, đạt kết quả khả quan trên các bình diện khác nhau, cả trong hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Sau 45 năm, lòng tin được nâng cao, thương mại - đầu tư được tăng cường, giao lưu nhân dân được đẩy mạnh.

Hai bên thường xuyên có những trao đổi ở các cấp thông qua nhiều cơ chế khác nhau, trong đó có Cấp cao ASEAN-Mỹ thường niên, Diễn đàn Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)...

Mỹ là bạn hàng lớn của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại ước tính đạt 362 tỷ USD năm 2021, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Mỹ cũng là nhà cung cấp FDI lớn nhất tại Đông Nam Á trong nhiều năm.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, việc củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ ASEAN-Mỹ là rất cần thiết, là quan tâm chung của cả hai bên, trong đó có cá nhân Tổng thống Joe Biden.

Trên tinh thần đó, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Mỹ, lãnh đạo các nước ASEAN đã nhận lời mời của Tổng thống Mỹ dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN–Mỹ.

Hoạt động này là sự tiếp nối trao đổi cấp cao giữa ASEAN và Mỹ, khẳng định những cam kết của hai bên về hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại và tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai bên.

ASEAN và Mỹ đã từng tổ chức Hội nghị tại Sunnylands, Mỹ vào năm 2016. Sau đó, hai bên cũng nhất trí tổ chức Hội nghị vào tháng 3/2020 nhưng buộc phải hoãn do dịch Covid-19.

Dự kiến tại Hội nghị này, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Mỹ sẽ cùng nhìn lại và đánh giá tổng thể chặng đường quan hệ đối tác hai bên trong 45 năm qua và đề ra những định hướng quan trọng phát triển quan hệ ASEAN-Mỹ trong thời gian tới, đồng thời dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt, ASEAN và Mỹ dự kiến cũng sẽ có các phiên thảo luận riêng, chuyên sâu về những nội dung hợp tác cùng quan tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác và an ninh biển, ứng phó và phục hồi sau đại dịch, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững…

Phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đoàn Việt Nam sẽ tham dự đầy đủ, phù hợp tại các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt lần này, đóng góp vào các nội dung thảo luận, trao đổi trên tinh thần chân thành, tin cậy và hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Mỹ phát triển lên tầm cao mới vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng bền vững trong khu vực và trên thế giới.

Nhân dịp này, lãnh đạo Việt Nam gặp gỡ trực tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN thúc đẩy các nội dung hợp tác song phương.

QUAN HỆ KHĂNG KHÍT VIỆT NAM - MỸ

Chuyến thăm của Thủ tướng được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ phát triển, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại – đầu tư, khoa học – công nghệ, giáo dục - đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh...

Với Việt Nam, Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013. Mỹ nhiều lần khẳng định ủng hộ một Việt Nam độc lập và phát triển giàu mạnh, mong muốn đưa quan hệ với Việt Nam lên một tầm mức mới.

Kim ngạch thương mại song phương tăng nhanh và ổn định, đạt hơn 111 tỷ USD trong 2021, tăng gần 21 tỷ USD so với 2020. Mỹ cũng là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, với 1.135 dự án có tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam.

Thời gian qua, các doanh nghiệp lớn của Mỹ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam: Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang...

Phía Mỹ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số. Ngày 29/3/2022, Tập đoàn Vinfast của Việt Nam ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina.

Hai nước tích cực hợp tác trong phòng chống dịch cOVID-19 và phục hồi sau đại dịch. Mỹ đứng đầu trong số các nước cung cấp vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, đã viện trợ gần 40 triệu liều vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế này cùng với nhiều vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch khác. Khi tình hình chống dịch tại Mỹ cấp bách, Việt Nam đã hỗ trợ Mỹ thiết bị bảo hộ cá nhân và khẩu trang vải kháng khuẩn được phía Mỹ trân trọng và đánh giá cao.

Hợp tác quốc phòng - an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục được duy trì và thúc đẩy. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, đào tạo, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

THÀNH VIÊN TÍCH CỰC CỦA LIÊN HỢP QUỐC

Về phía Liên hợp quốc, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Chuyến thăm thể hiện cam kết mạnh mẽ và đóng góp tích cực của Việt Nam với hòa bình và  ổn định trên thế giới, góp phần củng cố quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa Việt Nam-Liên hợp quốc trong bối cảnh Việt Nam và Liên hợp quốc đang kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác (1977-2022). Đồng thời, chuyến thăm cũng tranh thủ sự hỗ trợ tích cực của Liên hợp quốc đối với các lĩnh vực Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tự cường sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu SDG, triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình.

Trong 45 năm qua kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc (tháng 9/1977), Việt Nam luôn là thành viên trách nhiệm, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của Liên hợp quốc.

Nổi bật là thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, qua đó khẳng định vị thế và tầm vóc mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hệ thống phát triển Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2017-2021, Liên hợp quốc đã hỗ trợ Việt Nam hơn 423 triệu USD trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đại dịch Covid-19, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận gần 50 triệu liều vaccine thông qua Chương trình COVAX (vượt con số cam kết ban đầu của COVAX là 38,9 triệu liều) và vật tư y tế trị giá 45 triệu USD từ các tổ chức Liên hợp quốc.

Tin mới

BYD muốn định nghĩa lại “xe sang” trong kỷ nguyên xe điện

BYD muốn định nghĩa lại “xe sang” trong kỷ nguyên xe điện

Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD sẽ giới thiệu chiếc sedan đầu tiên nằm trong phân khúc cao cấp của mình tại triển lãm ô tô Bắc Kinh, nhằm thách thức những hãng như Mercedes-Benz của Đức, hãng mà ba năm trước đã rút khỏi sự phát triển của thương hiệu Denza, với lý do doanh số bán hàng chậm.
#AutoHashtag: Vì sao Ford nhiều năm “bất bại” trong phân khúc xe bán tải ở Việt Nam?

#AutoHashtag: Vì sao Ford nhiều năm “bất bại” trong phân khúc xe bán tải ở Việt Nam?

Khởi nguyên là dòng xe nhắm đến đối tượng khách hàng nông dân ở các vùng ngoại ô, ngày nay, những chiếc xe bán tải mang thương hiệu Mỹ, Ford, đang được đông đảo người dùng tại đô thị săn tìm. Vì sao dòng xe này phát triển mạnh tại Việt Nam và vì sao Ford lại thành công đến vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.
Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon có thể là một khái niệm xa lạ và không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc. Trên thế giới, khái niệm này đã được nhiều quốc gia áp dụng và nhiều công ty đã thu được nguồn lợi không nhỏ.