CPTPP sẽ thay đổi Trung Quốc hay ngược lại?

Hoài Thu
Theo nhà kinh tế Wu Junhua, thay vì tự đưa mình đến gần hơn với các tiêu chuẩn của CPTPP, Bắc Kinh có thể đang lên kế hoạch để kéo CPTPP lại gần bằng cách tạo ra những ngoại lệ...
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một sự kiện ở Bắc Kinh ngày 9/10 - Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một sự kiện ở Bắc Kinh ngày 9/10 - Ảnh: Reuters

Tháng 9/2021, Trung Quốc chính thức nộp đơn tham gia hiệp định này, động thái được xem là thách thức sức ảnh hưởng của Mỹ trong thương mại tự do toàn cầu.

CPTPP được ký kết vào tháng 3/2018 với 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Từng tham gia xây dựng hiệp định này, Mỹ đã rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump năm 2017.

Theo Nikkei Asia, về việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP, giới quan sát có hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên xem đây là cơ hội quý giá để thúc đẩy cải cách tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một bên cho rằng các thành viên CPTPP cần thận trọng khi xem xét đơn xin gia nhập của nước này.

CƠ HỘI TẠO RA THAY ĐỔI LỚN

Phe thứ nhất lập luận rằng các điều kiện gia nhập CPTPP khá chi tiết và nghiêm ngặt, ít khả năng có ngoại lệ dành cho Trung Quốc. Theo đó, việc gia nhập hiệp định có thể thúc đẩy Bắc Kinh điều chỉnh các quy tắc theo hướng công bằng và minh bạch hơn.

Phe này cho rằng đây có thể là cơ hội để tạo áp lực buộc Trung Quốc cải cách các chính sách kinh tế, như những thay đổi trong hoạt động mua sắm của chính phủ hay tiêu chuẩn lao động gần đây. Theo phe này, không nhất thiết phải “đóng cửa” với Trung Quốc nếu như các thành viên CPTPP có thể cứng rắn từ chối các ngoại lệ dành cho cường quốc này. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thống nhất giữa các thành viên CPTPP.

Một số nhà phân tích cho rằng không nhất thiết phải “đóng cửa” với Trung Quốc nếu các thành viên CPTPP có thể cứng rắn từ chối các ngoại lệ dành cho cường quốc này - Ảnh: Reuters
Một số nhà phân tích cho rằng không nhất thiết phải “đóng cửa” với Trung Quốc nếu các thành viên CPTPP có thể cứng rắn từ chối các ngoại lệ dành cho cường quốc này - Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu ghi hình sẵn gửi tới Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc khai mạc ngày 5/11 tại Thượng Hải, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết chính phủ nước này sẵn sàng đàm phán về các chính sách về doanh nghiệp nhà nước cũng như trợ cấp công nghiệp của mình để được chấp thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẽ tập trung hơn vào việc nhập khẩu và thúc đẩy phát triển thương mại cân bằng, bất chấp tương lai bất định của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ - dự kiến hết hạn vào tháng sau.

Theo kịch bản khả quan, nếu Trung Quốc tuân thủ tất cả các điều khoản và trở thành viên của CPTPP, động thái này sẽ có tác động lớn tới địa chính trị tại khu vực châu Á Thái Bình Dương – đặc biệt là khi thiếu vắng sự hiện diện của Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng 11 nước thành viên CPTPP cần bắt đầu xem xét kịch bản này ngay bay giờ để có thể thảo luận kỹ lưỡng về tư cách thành viên của Trung Quốc.

THAY ĐỔI CPTPP BẰNG CÁC NGOẠI LỆ?

Trong khi đó, phe còn lại nhận định Trung Quốc đăng ký tham gia hiệp định với ý định tìm kiếm ngoại lệ từ CPTPP. Hiện tại, Trung Quốc đứng thứ 107 trong Chỉ số Tự do Kinh tế theo xếp hạng của Heritage Foundation, có trụ sở tại Washington (Mỹ), vượt xa mức xếp hạng bình quân khoảng 30 của các thành viên CPTPP.

Hiệp định này yêu cầu các thành viên phải nới lỏng đáng kể các hạn chế về dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và chấp dứt việc ưu ái các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại của Bắc Kinh đang đi ngược những điều này.

Ngày 11/11/2001, ông Shi Guangsheng, Bộ trưởng Ngoại thương lúc đó của Trung Quốc, ký văn kiện đưa nước này gia nhập WTO tại Doha - Ảnh: Reuters
Ngày 11/11/2001, ông Shi Guangsheng, Bộ trưởng Ngoại thương lúc đó của Trung Quốc, ký văn kiện đưa nước này gia nhập WTO tại Doha - Ảnh: Reuters

"Trong các cuộc đàm phán khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhiều người tin rằng áp lực từ bên ngoài sẽ đưa hệ thống kinh tế của nước này tiến gần hơn với hệ thống kinh tế của các nước phương Tây”, Wu Junhua, nhà kinh tế trưởng, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, cho biết. “Tuy nhiên, Trung Quốc giờ đây tự tin rằng mô hình kinh tế của họ ưu việt hơn”.

Theo bà Wu, thay vì tự đưa mình đến gần hơn với các tiêu chuẩn của CPTPP, Bắc Kinh có thể đang lên kế hoạch để kéo CPTPP lại gần mình bằng cách tạo ra những ngoại lệ.

Chính quyền của ông Tập đã bắt đầu tiếp cận các nước thành viên CPTPP như Singapore, Brunei, Mexico và New Zealand để tranh thủ sự ủng hộ việc nước này gia nhập hiệp định

Theo điều khoản của CPTPP, các thành viên phải nộp một bản kế hoạch hành động chi tiết về các lĩnh vực chưa đáp ứng tiêu chuẩn của hiệp định. 11 thành viên hiện tại có một khoảng thời gian nhất định để điều chỉnh theo các tiêu chuẩn này và điều khoản này không áp dụng với thành viên mới. Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ với các vấn đề liên quan tới “lợi ích an ninh thiết yếu", theo Khoản 2, Chương 29 của hiệp định.

Phạm vi của sự “thiết yếu” có thể mở rộng đến mức nào tùy thuộc vào mục đích thực tế của mỗi quốc gia thành viên. Do đó, theo nhiều nhà phân tích, để tránh bất ngờ, các thành viên hiện tại của CPTPP sẽ cần yêu cầu Trung Quốc áp dụng phạm vi “lợi ích an ninh thiết yếu” tương ứng.

Tin mới

Tháng 4, ô tô nhập khẩu về Việt Nam bất ngờ quay đầu lao dốc

Tháng 4, ô tô nhập khẩu về Việt Nam bất ngờ quay đầu lao dốc

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 4/2024 ước đạt 12.500 chiếc, giá trị 244 triệu USD. Trước đó, vào tháng 3, số lượng xe nhập khẩu là 15.860 chiếc có giá trị kim ngạch 330 triệu. Như vậy, so với tháng liền kề, ô tô nhập khẩu trong tháng 4/2024 giảm 21,2% về lượng và 26,1% về giá trị.
Cơ hội cho doanh nghiệp phát triển trạm sạc tại Việt Nam

Cơ hội cho doanh nghiệp phát triển trạm sạc tại Việt Nam

Mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam đang ngày càng được cụ thể hóa bằng những chính sách pháp luật mới, góp phần khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong đó, hạ tầng trạm sạc đang là “miếng bánh ngọt” dành cho những doanh nghiệp tiên phong.