Đây là lý do giá dầu tăng vọt trở lại: Nga có thể mất 1/3 sản lượng sau vài tuần nữa

Điệp Vũ
Nga có sản lượng dầu khoảng 10 triệu thùng/ngày và trước khi tấn công Ukraine, nước này xuất khẩu khoảng một nửa số dầu khai thác được...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Nga có thể sớm buộc phải cắt giảm 30% sản lượng dầu, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, trừ phi Saudi Arabia và các nước xuất khẩu năng lượng hàng đầu khác đẩy mạnh việc khai thác.

Trong báo cáo hàng tháng công bố vào hôm thứ Tư tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng Nga – nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ nhì thế giới – có thể phải giảm sản lượng dầu 3 triệu thùng/ngày trong tháng 4, khi các công ty dầu khí lớn, các nhà giao dịch và công ty vận tải từ chối dầu Nga, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ dầu ở Nga sụt giảm.

Nga có sản lượng dầu khoảng 10 triệu thùng/ngày và trước khi tấn công Ukraine, nước này xuất khẩu khoảng một nửa số dầu khai thác được.

“Ảnh hưởng của sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga ra thị trường toàn cầu là không thể xem nhẹ”, báo cáo của IEA có đoạn. Các chuyên gia của tổ chức này nhận định rằng cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể dẫn tới những thay đổi kéo dài trên thị trường năng lượng thế giới.

Mỹ, Canada, Anh và Australia đã cấm nhập dầu Nga, ảnh hưởng tới khoảng 13% xuất khẩu dầu của nước này. Việc các công ty dầu lửa và ngân hàng toàn cầu ngừng giao dịch dầu Nga đang khiến Nga phải chào bán dầu với mức giá siêu rẻ so với giá thị trường. Các hãng dầu khí lớn của phương Tây đã rút khỏi các liên doanh và dự án ở Nga, dừng kế hoạch khai thác các mỏ dầu mới ở nước này. Hôm thứ Ba tuần này, Liên minh châu Âu (EU) công bố lệnh cấm đầu tư vào ngành năng lượng của Nga.

IEA – tổ chức có trụ sở ở Paris, do các quốc gia giàu nhất thế giới lập ra để  theo dõi các xu hướng năng lượng – nói rằng các nhà máy lọc dầu tại nhiều nước đang phải loay hoay tìm nguồn cung thay thế dầu Nga. Các nhà máy này có thể buộc phải cắt giảm hoạt động đúng vào thời điểm người tiêu dùng toàn cầu đối mặt với mức giá xăng cao nhất trong nhiều năm, thậm chí cao kỷ lục.

Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình nguồn cung dầu của thế giới có thể sớm được cải thiện. Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), hai thành viên quan trọng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), là những nước duy nhất có công suất khai thác dầu dự trữ ở mức đáng kể.

Liên minh OPEC+ giữa OPEC và một số nước ngoài khối, gồm Nga, đã triển khai việc nâng sản lượng trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, mức tăng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng được đánh giá là khiêm tốn. Thậm chí, OPEC+ cũng chưa thể tăng được sản lượng đúng như kế hoạch, mà thay vào đó thường xuyên không đạt mục tiêu sản lượng đề ra.

Tuần trước, đại sứ UAE tại Mỹ nói rằng nước này ủng hộ việc khai thác thêm dầu. Nhưng sau đó, nước này lại nói cam kết thực thi đúng thoả thuận sản lượng OPEC+. Đến hiện tại, cả UAE và Saudi Arabia đều không cho thấy “một sự sẵn sàng khai thác thêm dầu” – theo nhận định của IEA.

“Việc OPEC+ mãi không thực hiện đầy đủ được mục tiêu sản lượng, chủ yếu do các vấn đề kỹ thuật và hạn chế khác về năng lực, đã dẫn tới việc lượng dầu tồn kho trên toàn cầu sụt giảm”, báo cáo của IEA có đoạn viết. Nếu các nước sản xuất dầu lớn không nâng sản lượng, thị tường toàn cầu sẽ bị thiếu cung trong quý 2 và quý 3 năm nay – IEA cảnh báo.

Phương Tây đang cố gắng thuyết phục Saudi Arabia và UAE thay đổi quan điểm. Hôm thứ tư tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có chuyến công du tới vùng Vịnh để thảo luận các biện pháp gia tăng sức ép ngoại giao và kinh tế đối với Nga. Một tuyên bố của Chính phủ Anh cho biết ông Johnson cũng sẽ bàn với lãnh đạo Saudi Arabia và UAE về “những nỗ lực cải thiện an ninh năng lượng và giảm biến động giá năng lượng và thực phẩm”.

Thị trường dầu lửa toàn cầu đã biến động cực mạnh kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào hôm 24/2. Tuần trước, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc vượt 139 USD/thùng. Tuần này, có lúc giá dầu Brent tuột khỏi mốc 100 USD/thùng. Phiên ngày 17/3, cả giá dầu Brent và WTI cùng tái lập mốc 100 USD/thùng.

Diễn biến giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.

Cuộc khủng hoảng này có thể dẫn tới những thay đổi lớn trên thị trường toàn cầu – giới chuyên gia nhận định.

Nguồn cung bổ sung có thể đến từ Iran và Venezuela nếu Mỹ và các nước đồng minh nới trừng phạt với hai quốc gia này. Đàm phán hạt nhân với Iran đang rơi vào ngưng trệ, nhưng các bên vẫn có khả năng sớm đạt một thoả thuận.

Tuần trước, EU công bố một kế hoạch nhằm cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga tới 80% trong năm nay bằng cách tìm các nguồn cung khí đốt thay thế, phát triển các nguồn năng lượng tái sinh, cắt giảm tiêu thụ năng lượng thông qua các biện pháp cải thiện hiệu suất, và kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện than và điện hạt nhân.

Về phần mình, Saudi Arabia đang đàm phán với Bắc Kinh về việc giao dịch dầu lửa bằng đồng Nhân dân tệ. Một thoả thuận như vậy có thể làm suy yếu vai trò thống trị của đồng USD trên thị trường dầu lửa toàn cầu và đưa Saudi Araiba – nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới – dịch chuyển về phía Đông.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng tăng cường mua dầu Nga, nhân lúc giá dầu Nga đang rẻ hơn 20% so với thị trường. Mới đây, Ấn Độ đã ký thoả thuận mua 3 triệu thùng dầu Nga giao hàng trong tháng 5 – nguồn tin là quan chức Chính phủ Ấn Độ tiết lộ.

Tin mới

Những vấn đề đằng sau báo cáo thu nhập “bom tấn” của Toyota

Những vấn đề đằng sau báo cáo thu nhập “bom tấn” của Toyota

Giám đốc điều hành Koji Sato đã kết thúc năm đầu tiên nắm quyền lãnh đạo Toyota Motor Corp. bằng cách phá vỡ kỷ lục thu nhập của công ty khi đạt được những đỉnh cao mới về lợi nhuận, doanh thu và sản lượng. Nhưng ông Sato cũng cảnh báo rằng tăng trưởng doanh số bán hàng dự kiến sẽ hạ nhiệt, các ưu đãi của Mỹ có thể sẽ tăng lên và lợi nhuận có thể giảm nhẹ.
#Auto Hashtag: Vì sao Việt Nam là thị trường “khó nhằn” với các hãng xe Trung Quốc?

#Auto Hashtag: Vì sao Việt Nam là thị trường “khó nhằn” với các hãng xe Trung Quốc?

Từng mắc phải sai lầm lớn cách đây gần 20 năm, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tìm cách gỡ gạc và gia tăng độ phủ thương hiệu của mình tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam luôn là một thách thức với các thương hiệu xe Trung Quốc. Lý do nào cho thực trạng này? Và các nhà sản xuất ô tô quốc gia 1,4 tỷ dân này đang áp dụng những chiến lược mới gì? Hãy cùng chúng tôi phân tích chủ đề này trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.
Mỹ sắp mạnh tay áp thuế 100% với xe điện của Trung Quốc

Mỹ sắp mạnh tay áp thuế 100% với xe điện của Trung Quốc

Nhằm bảo vệ các nhà sản xuất ô tô Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden dự kiến sẽ công bố mức thuế mới cao tới 100% đối với xe điện của Trung Quốc và thuế nhập khẩu bổ sung đối với các hàng hóa khác bao gồm cả chất bán dẫn, sớm nhất là vào tuần tới.
Thêm thương hiệu ô tô Trung Quốc vào thị trường Việt Nam

Thêm thương hiệu ô tô Trung Quốc vào thị trường Việt Nam

Thương hiệu ô tô GAC đến từ Trung Quốc sẽ chính thức được Tập đoàn Tan Chong nhập khẩu, phân phối. Cụ thể, thương hiệu GAC sẽ được Tập đoàn Tan Chong phân phối thông qua công ty con TCSV (TC Services Việt Nam) và được uỷ quyền tham gia phân phối bán lẻ các loại ô tô, cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và phụ tùng thay thế theo pháp luật Việt Nam.