Evergrande trả được tiền lãi trái phiếu đến hạn, tạm thời thoát “bờ vực” vỡ nợ

An Huy
Diễn biến này giúp “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc có thêm ít nhất 1 tuần nữa để chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

China Evergrande Group tạm thời thoát khỏi “bờ vực” vỡ nợ khi thanh toán được một khoản lãi trái phiếu trước hạn chót là ngày thứ Bảy (23/10). Diễn biến này giúp “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc có thêm ít nhất 1 tuần nữa để chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ.

Theo nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg, Evergrande đã trả được 83,5 triệu USD tiền lãi của một lô trái phiếu USD. Khoản lãi này thực ra đáo hạn vào tháng trước nhưng Evergrande khi đó không trả được, và ngày 23/10 là thời điểm kết thúc thời kỳ ân hạn kéo dài 1 tháng. Việc Evergrande trả khoản lãi này khiến giới quan sát ngạc nhiên vì họ vốn tin rằng Evergrande sẽ ưu tiên việc thanh toán nợ cho các chủ nợ trong nước, các nhà cung cấp và khách mua nhà.

Thông tin trên giúp giá các trái phiếu “rác” (trái phiếu hạng không được khuyến nghị đầu tư – junk bond) của Trung Quốc tăng mạnh trong phiên ngày 22/10 và hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2012. Tuy nhiên, các chủ nợ của Evergrande vẫn đang chuẩn bị cho khả năng công ty này trải qua một cuộc cơ cấu nợ có thể là lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc.

Cho dù đã tăng mạnh phiên này, trái phiếu USD đáo hạn vào tháng 3/2022 của Evergrande cũng chỉ đạt mức giá 0,26 USD tính trên mỗi USD mệnh giá. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư sẽ chịu thiệt hại lớn trong một cuộc tái cơ cấu nợ ở Evergrande.

Việc Evergrande thanh toán được 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu là cú “twist” mới nhất trong câu chuyện dài và gây hồi hộp về “quả bom nợ” Evergrande. Cuộc khủng hoảng nợ của công ty này đã gây sóng gió lớn trên thị trường trái phiếu USD do Trung Quốc phát hành ở nước ngoài với quy mô 860 tỷ USD, đồng thời phủ bóng đen lên ngành bất động sản Trung Quốc – lĩnh vực ước tính đóng góp khoảng 25% GDP của nước này.

Những ngày gần đây, giới chức Trung Quốc liên tục lên tiếng trấn an nhà đầu tư rằng rủi ro từ khủng hoảng nợ Evergrande sẽ được kiểm soát, cho dù phát tín hiệu không muốn giải cứu công ty khổng lồ.

“Việc thanh toán khoản lãi trên có vẻ như là một nỗ lực ‘câu giờ’”, Giám đốc Wu Qiong của BOC International Holdings nhận xét. “Tuy nhiên, đây vẫn là tin tích cực và giúp Evergrande có thêm thời gian cần thiết để bán tài sản, củng cố sức lực để chuẩn bị cho một cuộc tái cơ cấu có trật tự”.

Với hơn 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ, Evergrande – công ty do tỷ phú Hứa Gian Ấn sáng lập và điều hành – đã trở thành một trọng những “nạn nhân” lớn nhất khi Chính phủ Trung Quốc tiến hành một chiến dịch giảm nợ trong lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy mục tiêu “thịnh vượng chung”. Thế khó của Bắc Kinh lúc này là làm thế nào cân bằng được hai mục tiêu vừa giảm nợ trong ngành bất động sản, vừa không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi còn mong manh của nền kinh tế.

Sau đợt thanh toán nợ này, Evergrande sẽ tiếp tục tới hạn phải thanh toán tiền lãi của một lô trái phiếu khác vào ngày 29/10. Đó cũng là khoản lãi đáo hạn vào tháng trước và ngày 29/10 là thời điểm kết thúc thời gian ân hạn 30 ngày. Ngoài ra, trong thời gian còn lại của năm nay và năm tới, Evergrande còn một loạt đợt thanh toán nợ trái phiếu trong và ngoài nước khác, ước tính tổng giá trị lên tới khoảng 7,4 tỷ USD. Mới đây, Evergrande muốn bán cổ phần trong một công ty con để thu về 2,6 tỷ USD, nhưng thương vụ đã đổ vỡ.

“Evergrande đang giống như một cây nến cháy cả hai đầu. Họ vừa phải giải quyết tình trạng suy giảm doanh thu, vừa phải tìm kiếm nguồn tiền mặt để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Một cuộc tái cơ cấu sẽ là cần thiết”, ông Justin Tang, trưởng bộ phận nghiên cứu về châu Á thuộc United First Partners nhận xét.

Tin mới

#Auto Hashtag: Xe điện mini có phải là lời giải cho giao thông đô thị tại Việt Nam?

#Auto Hashtag: Xe điện mini có phải là lời giải cho giao thông đô thị tại Việt Nam?

Việt Nam chuẩn bị cán mốc 100 triệu dân và đang bước vào giai đoạn ô tô hóa. Mặc dù vậy, Việt Nam đang phải giải quyết hai bài toán hóc búa, bao gồm vấn đề ùn tắc giao thông và giảm phát thải, hướng đến Net Zero vào năm 2050. Thế nhưng hiện nay, chúng ta đang có một loại phương tiện có thể góp phần đẩy nhanh tiến trình giải quyết hai bài toán này. Đó là xe điện mini. Vậy dòng xe này sẽ có những đóng góp cụ thể nào cho giao thông đô thị? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay!
Cách xe điện mini chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản

Cách xe điện mini chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản

Năm 2011, Nissan và Mitsubishi Motors, liên minh gồm ba công ty, trong đó có Renault của Pháp, đã thành lập NMKV, một liên doanh nhằm đồng phát triển các loại xe mini được phân loại là “xe kei” ở Nhật Bản. Hai thương hiệu cho đến nay đã phát hành nhiều mẫu xe kei và đạt được những thành công ngoài mong đợi.
Cách hãng xe Lynk & Co giải quyết nỗi lo “cần và đủ” cho khách hàng Việt

Cách hãng xe Lynk & Co giải quyết nỗi lo “cần và đủ” cho khách hàng Việt

Với người dùng Việt Nam, chất lượng sản phẩm là điều kiện “cần” trong khi vấn đề hậu mãi là điều kiện “đủ” để quyết định mua một chiếc ô tô. Để đáp ứng được hai tiêu chí này thực tế không hề dễ dàng. Tuy nhiên, dù là một thương hiệu mới vào thị trường Việt, Lynk & Co đã cho thấy sự kỹ lưỡng trong việc chinh phục thị trường. Với kim chỉ nam để chinh phục khách hàng trong hoạt động bán hàng là phải đảm bảo chất lượng và chế độ hậu mãi, Lynk & Co được giới chuyên môn đánh giá cao trong sự kỹ lưỡng của mình.