Quy định đối với phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam từ 1/5

Hoàng Lâm
Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2024/NĐ-CP quy định về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch. Trong đó, Nghị định số 30/2024/NĐ-CP quy định rõ điều kiện để phương tiện cơ giới nước ngoài và người nước ngoài điều khiển phương tiện vào tham gia giao thông tại Việt Nam.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Theo quy định, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam phải gửi đến Bộ Công an 01 bộ hồ sơ theo một trong các hình thức sau: Trực tiếp, trực tuyến, đường bưu chính. Hồ sơ gồm các giấy tờ sau: 

- Công văn đề nghị chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam theo Mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Nghị định 30/2024/NĐ-CP; 

- Danh sách người điều khiển phương tiện theo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Nghị định 30/2024/NĐ-CP; 

- Bản sao giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế lần đầu xin chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam).  

Nghị định quy định chậm nhất sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định ở trên, Bộ Công an có văn bản trả lời việc chấp thuận hoặc không chấp thuận (nêu rõ lý do) việc phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam. 

Văn bản chấp thuận theo Mẫu số 03, văn bản không chấp thuận theo Mẫu số 07 Phụ lục kèm theo Nghị định 30/2024/NĐ-CP và được trả trực tiếp, hoặc trực tuyến, hoặc qua đường bưu chính. 

Văn bản chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài mang phương tiện cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam được Bộ Công an thông báo đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan để phối hợp quản lý.

Nghị định nêu rõ, đối với trường hợp bất khả kháng (trường hợp người nước ngoài, phương tiện cơ giới nước ngoài không thể ra khỏi lãnh thổ Việt Nam do xảy ra sự kiện khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục ngay được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép) thì:

- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phải có văn bản gửi đến Bộ Công an báo cáo về lý do phương tiện xuất cảnh chậm so với thời gian quy định trong văn bản chấp thuận của Bộ Công an theo Mẫu số 04 Phụ lục kèm theo Nghị định số 30/2024/NĐ-CP và được gửi trực tiếp, hoặc trực tuyến, hoặc qua đường bưu chính;

- Sau khi nhận được văn bản báo cáo của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Bộ Công an có văn bản trả lời doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, đồng thời gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan để phối hợp quản lý theo Mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Nghị định số 30/2024/NĐ-CP.  

Quy định với người nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam

Theo quy định, người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam phải có phương tiện đi trước để hướng dẫn giao thông. Phương tiện hướng dẫn giao thông là xe ô tô (nếu khách du lịch điều khiển xe ô tô) hoặc xe mô tô (nếu khách du lịch điều khiển xe ô tô) do doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam bố trí và phải được gắn logo hoặc cắm cờ có biểu tượng của doanh nghiệp đó. 

Người điều khiển và phương tiện cơ giới nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam chỉ được tham gia giao thông trên các tuyến đường trong phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh và thời gian lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định tại văn bản chấp thuận của Bộ Công an. 

Khi điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông, người điều khiển phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ của Việt Nam; mang theo và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các giấy tờ sau: 

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam; 

- Giấy phép lái xe do nước ngoài cấp phù hợp với loại xe điều khiển và còn hiệu lực; 

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô); 

- Giấy đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực; Tờ khai hải quan phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập, tái xuất.

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có giá trị tại Việt Nam.

Nghị định số 30/2024/NĐ-CP nêu rõ, người điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật có liên quan.

Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/5/2024.

Tin mới

Các liên doanh ô tô nước ngoài của Trung Quốc mất đi ánh hào quang vì xe điện

Các liên doanh ô tô nước ngoài của Trung Quốc mất đi ánh hào quang vì xe điện

Trong nhiều năm, các nhà sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc có thể tin tưởng vào việc liên doanh với các thương hiệu lớn của nước ngoài như một nguồn lợi nhuận kỳ diệu. Nhưng báo cáo thu nhập mới nhất cho thấy những ngày đó có thể sắp kết thúc, khi những công ty đơn lẻ mới hơn như BYD đã thúc đẩy làn sóng điện khí hóa tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, trong khi các thương hiệu ô tô nước ngoài đang bị tụt lại phía sau.
Xe hybrid: “Cứu cánh” cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Mỹ?

Xe hybrid: “Cứu cánh” cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Mỹ?

Khi chính quyền Tổng thống Biden hạ mục tiêu sử dụng xe điện từ 67% xuống 35% vào năm 2030, họ đã làm được hai việc: tạo cứu cánh cho các nhà sản xuất ô tô đang cảm thấy áp lực phải sản xuất và bán xe điện trong khi dội một gáo nước lạnh lớn vào các công ty chỉ bán pin xe chạy bằng điện.
Tham vọng của BYD vượt xa cả xe điện

Tham vọng của BYD vượt xa cả xe điện

Các kế hoạch toàn cầu của công ty bao gồm từ mô-đun năng lượng mặt trời và xe buýt điện, xe tải và xe lửa cho đến các hệ thống giao thông phức tạp. Nhưng liệu BYD có đang cố gắng làm quá nhiều hay không là câu hỏi mà giới đầu tư quan tâm.