Tiền tệ và quản lý giá cùng quyết liệt chống lạm phát

Ánh Tuyết
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, giá xăng dầu biến động bất thường không phải là trở ngại lớn nhất trong mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022...
Giải pháp căn cơ là đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để thiếu hụt trong mọi tình huống. Tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ.
Giải pháp căn cơ là đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để thiếu hụt trong mọi tình huống. Tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ.

Chia sẻ tại diễn đàn trực tuyến: "Kiểm soát lạm phát- Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, ngay từ cuối năm 2021, dù mức nền lạm phát thấp nhất trong 6 năm qua với 1,84% nhưng Chính phủ, Bộ Tài chính không chủ quan. 

Trên thực tế, ngay từ đầu năm, nền kinh tế đối diện với không ít thách thức, đó là các cú sốc về thiếu nguyên vật liệu dẫn đến giá đầu vào tăng, giá năng lượng nhảy vọt. Đặc biệt, sau hơn 12 ngày diễn ra cuộc xung đột Nga - Ucraina đã bồi và và đẩy giá dầu lên tới 130 USD/thùng, giá xăng trong nước vọt lên gần 27 nghìn đồng/lít. 

HÀNG LOẠT NHÂN TỐ GÂY ÁP LỰC ĐIỀU HÀNH GIÁ

Ông Nguyễn Xuân Định phân tích, một trong những rủi ro lớn nhất chính là yếu tố chi phí đẩy. Giá nguyên vật liệu, năng lượng và giá xăng dầu thời gian vừa qua tăng chóng mặt. So với thời điểm 1 tháng trước, giá xăng dầu thành phẩm chỉ ở mức 98 USD/thùng, nhưng đến nay, vượt qua mức 130 USD/thùng. 

Đáng lo ngại, giá dầu thời gian qua tăng đột biến và bất thường. Có những ngày, giá dầu thế giới brent tăng hơn 10% từ 118 USD/thùng lên 130 USD/thùng ngay từ đầu phiên điều, gây khó khăn đối với công tác dự báo giá dầu trong ngắn hạn. 

Phần lớn các cơ quan, tổ chức chỉ dự báo được diễn biến trung hạn và dài hạn để đặt ra những kịch bản về giá xăng dầu. Với kịch bản giá xăng dầu, giá dầu thế giới dù là 130 USD hay 150 USD/thùng, thậm chí hơn, Chính phủ sẽ có những phản ứng chính sách, đưa ra biện pháp điều hành phù hợp trong từng bối cảnh, trong từng trường hợp.

Ông Nguyễn Xuân Định (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại diễn đàn.
Ông Nguyễn Xuân Định (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại diễn đàn.

Bên cạnh giá xăng dầu nhảy vọt, trong khi đó là một trong những yếu tố gây rủi ro cao nhất trong điều hành giá, cùng giá nguyên vật liệu tăng đã tạo nên áp lực rất lớn đối với điều hành giá. Chẳng hạn, than cũng là một trong những yếu tố tạo nên chi phí đẩy, ảnh hưởng đến ngành điện. Cách đây khoảng 2 tuần, giá than trên thị trường thế giới chỉ khoảng hơn 200 USD/tấn nhưng nay lên đến vượt ngưỡng hơn 400 USD/tấn.

Mặt khác, lạm phát trong tháng 3 tại nhiều quốc gia trên thế giới như tại châu Âu đều vượt 5%. Là một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, chúng ta không tránh khỏi việc nhập khẩu lạm phát do chịu tác động gián tiếp từ tăng giá hàng hóa nhập khẩu.

Khi đó, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm sẽ “đội” lên nhanh chóng. Đây là một trong những vấn đề Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đánh giá rủi ro nhất.

 

"Bộ Tài chính có những phối hợp với các đơn vị để xây dựng một kịch bản điều hành giá, báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giáo để báo cáo với Thủ tướng. Với kịch bản điều hành giá năm nay, với các kịch bản xăng dầu khác nhau, lạm phát có thể lên đến từ 3,6-4,3%", ông Định nhấn mạnh.

Cũng theo Cục Quản lý giá, trong năm 2021 còn thêm những thách thức khác trong điều hành giá là việc thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ công theo Nghị định của Chính phủ, hiện chưa điều chỉnh do bối cảnh kinh tế xã hội vẫn còn nhiều phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid - 19.

"Trong năm 2022, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công cũng cần được đánh giá tính toán kỹ lưỡng của Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các đơn vị đầu mối", ông Định cho biết.

Vì vậy, trước những rủi ro trước mắt, ông Định cho rằng, công tác quản lý và đánh giá cần phải triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, ngay từ quý 1 và quý 2 là thời gian bản lề cho năm 2022.

NỖ LỰC KHÔNG ĐỨT GÃY NGUỒN CUNG

Mặc dù giá xăng dầu trong nước tăng cao do bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu thế giới, tuy nhiên, tỷ lệ tăng giá xăng dầu trong nước vẫn còn thấp hơn mức giá tăng của giá xăng dầu của thế giới.

 

Thông tin tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá vào ngày 25/2 cho thấy, trên thị trường thế giới, từ ngày 11/1 đến ngày 21/2, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu tăng từ 15,45-20,88%, nhưng giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59-14,04%. Điều này chứng tỏ chúng đã điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ "chịu đựng được", thấp hơn các nước trong khu vực.

Theo đại diện Cục Quản lý giá, mặt hàng xăng dầu rất đặc thù vì giá cả phụ thuộc nhiều vào cung - cầu, yếu tố chính trị, yếu tố tâm lý và vị thế của các quốc gia.

Vì vậy, vấn đề chi phí sản xuất xăng dầu chỉ ảnh hưởng nhỏ. Ngay cả khi nguồn cung trong nước có đảm bảo thì giá dầu vẫn sẽ phụ thuộc chủ yếu giá xăng dầu thế giới.

Ông Định cho rằng, đối với mặt hàng xăng dầu và cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay rất minh bạch, được quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 02/01/2022.

Biến động của giá xăng dầu trong nước hầu như thấp hơn giá biến động ở giá dầu thế giới, thể hiện rất rõ vai trò của công cụ Quỹ bình ổn giá, tránh tăng giá đột biến trong một số kỳ điều hành, để đưa ra mức tăng, giảm phù hợp, linh hoạt. Năm 2021, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá khá lớn trong nhiều kỳ và trong những thời điểm nhạy cảm khi dịch bệnh xảy ra, giúp ổn định mặt bằng giá và tâm lý của người tiêu dùng.

Công tác điều hành giá xăng dầu trong thời gian vừa qua vẫn được Bộ Tài chính và Bộ Công thương phối hợp rất chặt chẽ trong mỗi kỳ điều hành tác động đến lạm phát, hoạt động sản xuất để đưa ra được những phương án điều hành tốt nhất trong từng thời điểm. 

Tuy nhiên, "giải pháp căn cơ hiện nay là vẫn phải đảm bảo được nguồn cung, không để thiếu hụt ở mọi tình huống, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Khi xảy ra tình huống giá xăng dầu tăng cao trong nhiều thời điểm, mọi nguồn cung ở các địa phương, các địa bàn phải được đảm bảo để tránh những tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ. Các cây xăng các cửa hàng đóng cửa, không bán xăng rất nguy hiểm", ông Định cảnh báo.

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ PHẢI ĐỒNG BỘ TÀI KHÓA

Để kiềm chế lạm phát, ông Nguyễn Xuân Định cho rằng, đầu tiên, phải điều hành chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa để mặt bằng, lãi suất, tín dụng, tỷ giá được điều hành ổn định và đưa lạm phát lõi, lạm phát cơ bản ở mức thấp.

Năm 2022, khi nền kinh tế phục hồi, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra một nhận định và dự báo kịch bản lạm phát cơ bản có thể ở mức từ 2-2,5%. Vì vậy, việc phối hợp linh hoạt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, đó là giải pháp quan trọng đầu tiên và tiên quyết.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp về chính sách phù hợp trong bối cảnh phục hồi tăng trưởng. Cục Quản lý giá với vai trò giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá cho rằng, giải pháp quan trọng tiếp theo chính là tăng cường công tác tổng hợp, phân tích dự báo, nhận diện tình hình thị trường để dự báo và chuẩn bị các kịch bản.

"Giá dầu thế giới biến động thất thường, phải lường trước, đưa ra giải pháp chuẩn bị chủ động, triển khai ngay được trong bối cảnh có biến động bất thường. Kịch bản này không cố định ngay từ đầu năm mà liên tục cập nhật tình hình thế giới nếu có những biến động", ông Định nhấn mạnh.

Tiếp theo, tất cả địa phương, các ngành phải theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, bởi giá cả thị trường hiện nay biến động khó lường ảnh hưởng tới lợi ích sát sườn nhất của người dân, khi đi chợ người tiêu dùng sẽ nhận thấy ngay.

Hơn nữa, giá nhiều mặt hàng có tính chất địa bàn như mớ rau ở Hà Nội khác với giá mớ rau ở Nam Định. Vì vậy, Bộ Tài chính luôn chú trọng việc phối hợp của các địa phương và hướng dẫn tổ chức thực hiện các giải pháp do Chính phủ và các bộ, ngành đề ra.

Trước Tết, Bộ Tài chính cũng có chỉ thị về công tác quản lý bình ổn giá dịp Tết. Sau Tết, ngay lập tức có công văn 1076 gửi các địa phương tăng cường công tác quản lý giá ngay sau Tết, đề cập đến những giải pháp tại địa phương cần phải chú trọng tăng cường quản lý, như theo dõi sát giá cả thị trường.

Ngoài ra, "các địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác tiếp nhận kê khai cũng như kiểm soát, giám sát kê khai của các mặt hàng trong diện phải kê khai", ông Định lưu ý. Cần lồng ghép công tác kiểm tra trong những hoạt động chuyên môn, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà vẫn đạt được những mục đích về giám sát.

Với những mặt hàng không quản lý giá nhưng khi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh điều chỉnh giá cũng phải kê khai với các đơn vị có thẩm quyền. Lúc đó, sẽ đánh giá được việc tăng, giảm cũng như nguyên nhân và từ đó, đưa ra giải pháp tại địa phương. Quan trọng nhất vẫn là thanh tra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí.

Bên cạnh những giải pháp mang tính chất ứng phó, Bộ Tài chính cũng đề ra những giải pháp mang tính chất căn cơ, đó là hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, củng cố những biện pháp về quản lý điều hành giá, giúp các bộ ngành, địa phương triển khai công tác quản lý, điều hành giá, tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong bối cảnh giá cả hàng hóa có những biến động bất thường.

Đặc biệt, khi công tác điều hành giá xăng dầu được công khai, minh bạch, các cơ quan tổ chức, các cơ quan báo chí, người dân đều có thể tính toán về việc tăng hay giảm giá xăng dầu, chỉ khó trong biến số mà cơ quan điều hành sử dụng Quỹ bình ổn giá.

Vì vậy, phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vì đôi khi lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý còn xảy ra nhiều hơn. Cá biệt, nhiều đơn vị kinh doanh có tâm lý “tát nước theo mưa” và tăng giá ngay mặt hàng. Vì vậy, phải nắm bắt, theo dõi sát diễn biến giá thị trường và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, từ đó, sẽ phân tích được nguyên nhân tại sao mặt hàng tăng giá, do tăng giá xăng dầu đầu vào hay không, liệu mặt hàng với mức tăng hợp lý chưa.

Nếu nắm được nguyên nhân do nguồn cung, cần phải khơi thông nguồn cung, tiếp cận những nguồn cung với giá thành tốt hơn. Nếu như nguyên nhân nằm trong lưu thông, phải có những giải pháp để tăng cường lưu thông hàng hóa. Nhận định được nguyên nhân sẽ có những giải pháp trúng, đúng và giám sát, xử lý những vấn đề vi phạm.

 
Tiền tệ và quản lý giá cùng quyết liệt chống lạm phát - Ảnh 1

Liên quan đến đề xuất mạnh tay giảm thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ "kìm" đà tăng giá xăng dầu đang ở mức cao và giảm áp lực lên lạm phát, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: "Chính sách thuế nên là một trong những chính sách cần phải giữ ổn định trong một khoảng thời gian, để tạo ra sự ổn định trong chính sách, giúp môi trường kinh doanh, đầu tư cũng như tiêu dùng sản xuất giữ đà ổn định".

Hơn nữa, việc điều chỉnh chính sách về thuế cần một sự tính toán rất thận trọng với nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề. Không chỉ là hụt thu ngân sách mà còn phải đánh giá thêm rất nhiều khía cạnh khác như giảm thuế bảo vệ môi trường với biên độ lớn hơn có ảnh hưởng đến việc chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam với một số quốc gia xung quanh như Campuchia.

"Liệu tình trạng buôn lậu xăng dầu xảy ra phức tạp hơn không, bởi nếu không kiểm soát chặt việc nhập lậu xăng dầu, vẫn sẽ làm giảm tác dụng của chính sách này", ông Định lưu ý.

Mặt khác, chính sách thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thủ tục, quy trình khắt khe và cần có những đánh giá rất chi tiết. Vì vậy, việc áp dụng chính sách này khó có thể theo kịp khi giá biến động thường xuyên.

 

Tin mới

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon có thể là một khái niệm xa lạ và không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc. Trên thế giới, khái niệm này đã được nhiều quốc gia áp dụng và nhiều công ty đã thu được nguồn lợi không nhỏ.
Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.