TP. HCM: Thị trường lao động đang sôi động trở lại

Thi Nguyễn
Kết thúc quý 1/2024. thị trường lao động tại TP.HCM đang dần sôi động trở lại. Nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng tới 11,22% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều vị trí làm việc  được tuyển dụng với mức lương từ 5 – 20 triệu/tháng…
Thị trường lao động TP.HCM sôi động trong quý 1/2024 - Ảnh minh họa
Thị trường lao động TP.HCM sôi động trong quý 1/2024 - Ảnh minh họa

Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy từ đầu năm đến nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho 80.925/300.000 lượt người (đạt 26,98% kế hoạch năm) và tạo ra 36.814/140.000 chỗ việc làm mới (đạt 26,3% kế hoạch năm). So với cùng kỳ năm 2023, số lao động được giải quyết việc làm tăng 1,27%; số chỗ việc làm mới tăng 2,42%.

Tính đến tháng 3 năm 2024, tổng số lao động đã qua đào tạo đạt 4.269.796/4.905.886 người, đạt tỉ lệ 87,03%/87%18. Trên địa bàn thành phố có 2.583.033 người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (2.583.033/4.905.886 người, chiếm 52,7% lực lượng lao động trong độ tuổi).

GẦN 83.000 VIỆC LÀM TRONG NHIỀU LĨNH VỰC

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết theo kết quả khảo sát của đơn vị tại 14.300 lượt doanh nghiệp với hơn 82.600 chỗ làm việc, cho thấy thị trường lao động quý 1/2024 tại TP.HCM sôi động hơn. Nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng tới 11,22% so với cùng kỳ năm 2023.

Các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao quý 1/2024 (%). Nguồn: Falmi.
Các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao quý 1/2024 (%). Nguồn: Falmi.

Trong đó, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ với 53.525 chỗ làm việc (chiếm 64,8% tổng nhu cầu nhân lực và tăng 14,63% so với quý 1/2023); khu vực công nghiệp - xây dựng với 29.026 chỗ làm việc (chiếm 35,14% và tăng 5,46%), khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 50 chỗ làm việc (chiếm 0,06% và giảm 3,85%).

Một số ngành kinh tế có nhu cầu nhân lực cao trong quý 1/2024, cụ thể: Công nghiệp chế biến chế tạo cần 27.283 chỗ làm việc (chiếm 33,03% tổng nhu cầu nhân lực và tăng 13,21% so với quý 1/2023); Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác cần 18.684 chỗ làm việc (chiếm 22,62% và tăng 21,89%).

Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ cần 8.219 chỗ làm việc (chiếm 9,95% và tăng 16,61%); Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ cần 6.881 chỗ làm việc (chiếm 8,33% và tăng 61,98%); Hoạt động kinh doanh bất động sản cần 6.459 chỗ làm việc (chiếm 7,82% và tăng 38,93%); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cần 3.329 chỗ làm việc (chiếm 4,03% và tăng 12,92%).

Vận tải kho bãi cần 2.941 chỗ làm việc (chiếm 3,56% và tăng 17,46%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống cần 2.511 chỗ làm việc (chiếm 3,04% và giảm 8%); Thông tin và truyền thông cần 2.354 chỗ làm việc (chiếm 2,85% và giảm 56,52%) và các ngành khác như xây dựng, giáo dục, y tế, làm cho nhà nước… cần 3.940 chỗ làm việc (chiếm 4,77%).

Đáng lưu ý, TP.HCM tiếp tục có nhu cầu nhân lực cao ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu với 64.478 chỗ làm việc (chiếm 78,06% tổng nhu cầu nhân lực của toàn thành phố và tăng 13,06% so với quý 1/2023).

Trong đó, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng điểm cần 18.139 chỗ làm việc (chiếm 21,96% tổng nhu cầu nhân lực) ở các ngành gồm điện tử - công nghệ thông tin; cơ khí; chế biến lương thực thực phẩm; hóa dược, cao su.

Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần 46.339 chỗ làm việc (chiếm 56,1%) ở các ngành: thương mại; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; giáo dục và đào tạo; y tế.

MỨC LƯƠNG 5 - 10 TRIỆU/THÁNG CHIẾM GẦN 40% TỔNG NHU CẦU NHÂN LỰC

Theo phân tích từ kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, với mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng, nhu cầu của doanh nghiệp tại thành phố cần tuyển dụng tới 27.134 chỗ làm việc, chiếm 32,85% tổng nhu cầu nhân lực.

Các vị trí việc làm chủ yếu cho mức lương này có thể kể đến như nhân viên trung tâm thông tin liên lạc; nhân viên tư vấn và bán hàng online; nhân viên phục vụ; nhân viên kho; nhân viên thu ngân.

Với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp cần tuyển dụng 32.718 chỗ làm việc, chiếm 39,61% trong tổng nhu cầu nhân lực. Ở mức này, tập trung chủ yếu ở các vị trí việc làm như nhân viên nhập liệu; nhân viên kinh doanh bất động sản; nhân viên bán hàng; nhân viên tư vấn; nhân viên chăm sóc khách hàng; kế toán.

Mức lương trên 10 - 15 triệu đồng/tháng, TP.HCM đang có nhu cầu tuyển 13.604 chỗ làm việc, chiếm 16,47%. Các vị trí việc làm tuyển dụng mức lương này chủ yếu tập trung ở khối kinh doanh - dịch vụ như chuyên viên marketing; nhân viên hành chính; chuyên viên tư vấn dinh dưỡng; người chăm sóc người bệnh; nhân viên kinh doanh.

Với mức lương trên 15 - 20 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp cần tuyển 6.360 chỗ làm việc, chiếm 7,70%. Tập trung chủ yếu ở các vị trí việc làm như chuyên viên kiểm soát chất lượng; kỹ thuật viên cơ khí; giám sát bán hàng; kỹ thuật viên điện tử; chuyên viên chăm sóc sắc đẹp.

Trong khi đó, ở mức lương trên 20 triệu đồng/tháng, chỉ có 2.784 chỗ làm việc, chiếm 3,37%. Các công việc chủ yếu mà doanh nghiệp muốn tuyển phù hợp với người có chuyên môn về kỹ thuật như kiểm tra linh kiện điện tử; kỹ sư phần mềm; kỹ thuật viên công nghệ thông tin. Ngoài ra nhân viên sale game, bác sĩ da liễu cũng đang tuyển ở mức lương này.

Cũng theo Falmi, xét về kinh nghiệm làm việc, nhu cầu nhân lực không yêu cầu kinh nghiệm cần 37.979 chỗ làm việc, chiếm 45,98%. Các vị trí công việc đòi hỏi ít kinh nghiệm có thể kể đến như nhân viên bán hàng; nhân viên tư vấn; nhân viên chăm sóc khách hàng; nhân viên trung tâm thông tin liên lạc; công nhân lắp ráp linh kiện điện tử; nhân viên kho; nhân viên nhập liệu...

Với ứng viên có 1 năm kinh nghiệm làm việc, TP.HCM cần tuyển dụng 30.083 chỗ làm việc (chiếm 36,42% tổng nhu cầu nhân lực). Tập trung chủ yếu ở các vị trí việc làm như người chăm sóc người bệnh; nhân viên lái xe; kỹ thuật viên cơ khí; giám sát bán hàng; nhân viên kinh doanh bất động sản; kế toán.

Từ 2 - 5 năm kinh nghiệm, doanh nghiệp tuyển 10.350 chỗ làm việc, chiếm 12,53%. Tập trung chủ yếu ở các vị trí việc làm như nhân viên hành chính; chuyên viên tư vấn dinh dưỡng; chuyên viên marketing; chuyên viên quản lý kinh doanh; chuyên viên quản lý học viên; kỹ thuật viên công nghệ thông tin.

Trong khi đó, trên 5 năm kinh nghiệm, doanh nghiệp chỉ có nhu cầu cần 4.188 chỗ làm việc, chiếm 5,07%. Tập trung chủ yếu ở các vị trí việc làm như kỹ sư cơ khí; bác sĩ da liễu, chỉ huy công trình; trưởng nhóm tài chính; trưởng phòng hành chính nhân sự; trưởng phòng thiết kế quản lý thương hiệu.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.