Xe bán tải có an toàn hơn các dòng xe khác?

Lê Vũ
Khoác trên mình “bộ áo” hầm hố, thể hiện cá tính mạnh mẽ, ít ai biết rằng, khả năng an toàn và phòng ngừa va chạm của đa số dòng xe bán tải hiện nay đều thấp hơn nhiều nếu so sánh với các dòng xe khác như sedan, SUV.

Kích thước ngày càng “phình to”

Các mẫu xe bán tải ngày càng to và nặng hơn. Ảnh: Driving
Các mẫu xe bán tải ngày càng to và nặng hơn. Ảnh: Driving.

Khởi nguyên của dòng xe bán tải trên thế giới bắt đầu vào năm 1925 với mẫu T Roadster do Ford sản xuất. Henry Ford, nhà sáng lập hãng xe này nhận thấy một tệp khách hàng triển vọng mà chưa có hãng xe nào khai phá đó là đối tượng khách hàng nông dân ở các vùng ngoại ô, nơi có nhiều trang trại, đồn điền. Họ cần một chiếc xe dân dụng có khả năng chuyên chở tốt mà giá lại phải đủ rẻ.

So với dòng xe tải phục vụ quân sự hoặc các nhà máy, xí nghiệp, xe bán tải có kích thước nhỏ gọn hơn, sức chứa hàng ít hơn, nhưng lại có khả năng cơ động khi di chuyển trong thành phố và có thể dễ dàng để trong gara như các loại xe phổ thông dân dụng khác.

Sau này, Ford, Chrysler, Chevrolet và Volkswagen lần lượt tung ra thêm nhiều mẫu bán tải mới, đồng thời mở rộng đối tượng khách hàng đến khu vực đô thị. Theo đó, các mẫu bán tải thế hệ mới ngày càng có thiết kế đẹp hơn, nhiều trang bị, công nghệ hơn để phục vụ trải nghiệm thoải mái cho người dùng. Từ những mẫu bán tải 2 cửa, 2-3 chỗ ngồi, xe bán tải thế hệ mới đều phát triển thành 4 cửa, 4-5 chỗ ngồi, không gian nội thất ngày càng rộng rãi hơn. Điều này khiến kích thước tổng thể của xe bán tải cũng ngày càng tăng lên theo thời gian.

Ví dụ, một chiếc Ford Model T Roadster đời đầu có kích thước 3.404 x 1.676 x 1.860 mm, chiều dài cơ sở 2.540 mm; trong khi một chiếc Ford F-150 Raptor đời 2023 có kích thước 5.908 x 2.199 x 2.026 mm, chiều dài cơ sở 3.693 mm. Thiết kế ngoại thất ngày càng hầm hố, nhiều góc cạnh và phụ kiện đi kèm, khiến xe bán tải chẳng khác nào “quái thú” khi xuất hiện bên cạnh một chiếc sedan thông thường.

Bên cạnh đó, các hãng xe hơi cũng không ngừng nâng cấp động cơ cho dòng xe bán tải. Từ những mẫu xe chỉ có động cơ 1.0L với công suất chưa đến 50 mã lực, những mẫu bán tải phổ thông ngày nay đã sở hữu động cơ 2.0L, hộp số 10 cấp, tạo ra công suất trên 200 mã lực và mô-men xoắn cực đại khoảng 500 Nm. Mặc dù vậy, khả năng chuyên chở của dòng xe bán tải không hề tăng lên theo thời gian, thậm chí còn giảm xuống mức trung bình từ 650 kg đến 1,1 tấn. Điều này cho thấy các hãng xe hơi đang tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao trải nghiệm lái cho người dùng và tăng khả năng off-road trong nhiều điều kiện địa hình và thời tiết khác nhau.

Hệ thống an toàn không theo kịp yêu cầu của thời đại

Điểm mù của xe bán tải không thua kém xe tải.
Điểm mù là yếu điểm "chết người" của xe bán tải.

Một điều chắc chắn rằng, khi ngồi trên một chiếc bán tải, nhờ thiết kế gầm cao tương tự các dòng xe SUV, người dùng có khả năng bao quát phía xa tốt hơn nhiều do với dòng xe sedan. Mặc dù vậy, thiết kế ngày càng “phình to” lại khiến khả năng quan sát hai bên hông và phía sau bị ảnh hưởng, điểm mù ngày càng lớn. Để khắc phục vấn đề này đòi hỏi các hãng xe phải nâng cấp hệ thống an toàn chủ động để hỗ trợ người dùng trong những tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, đây lại là “sở đoản” của dòng xe bán tải nói chung.

Từ năm 1979, Mỹ bắt đầu áp dụng Chương trình đánh giá xe mới (NCAP) làm căn cứ chấm điểm khả năng an toàn của các mẫu xe thương mại. Đến năm 2011, Chương trình đánh giá xe mới toàn cầu (GNCAP) chính thức được áp dụng. Tuy nhiên, trong hầu hết các kỳ đánh giá, xe bán tải luôn nằm trong danh sách dòng xe bị chấm điểm thấp về mặt an toàn. Trong đó, những hạng mục bị đánh giá thấp là khả năng đáp ứng của phanh, an toàn va chạm bên hông. Nhiều mẫu xe chưa được trang bị cảm biến điểm mù đạt tiêu chuẩn, chưa có phanh khẩn cấp tự động, làm tăng nguy cơ tai nạn khi tham gia giao thông.

Những năm gần đây, nhiều hãng xe như Dodge, Toyota, Rivian đã tập trung nâng cấp hệ thống an toàn trên các mẫu bán tải của mình. Điều này giúp các mẫu xe như RAM 1500, Toyota Tundra và Rivian R1T đạt xếp hạng Top Safety Pick+. Tuy nhiên, khi các tiêu chuẩn an toàn ngày càng khắt khe hơn, khả năng an toàn của dòng xe bán tải ngày càng có dấu hiệu “hụt hơi”.

Để đảm bảo an toàn, người dùng xe bán tải buộc phải có ý thức và kinh nghiệm dày dặn hơn. Ảnh: Ford Việt Nam
Để đảm bảo an toàn, người dùng xe bán tải buộc phải có ý thức và kinh nghiệm dày dặn hơn. Ảnh: Ford Việt Nam.

Trong bài kiểm tra NCAP năm 2024, Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (IIHS) cho biết, nhiều mẫu SUV phổ thông của Hyundai, Kia, Honda, Mazda, Genesis đều đạt điểm cao và rất cao. Trong khi đó, không có bất kỳ mẫu bán tải nào đạt Top Safety Pick+ 2024. IIHS đánh giá, điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại của loại phương tiện vốn rất phổ biến này.

Một nghiên cứu của KidsAndCars.org cho thấy, điểm mù phía trước và phía sau của xe bán tải lớn hơn nhiều so với sedan, CUV, SUV. Xe bán tải cũng chiếm phần lớn trong tổng số hơn 900 vụ tai nạn gây tử vong từ năm 1990-2019. Hầu hết nạn nhân là trẻ từ 1-2 tuổi do rơi vào điểm mù của xe.

Hiện nay, chỉ một số ít mẫu bán tải được trang bị đầy đủ các tính năng an toàn tiêu chuẩn như phanh khẩn cấp tự động (AEB), cảnh báo điểm mù (BSM), cảnh báo người đi bộ cắt ngang...

Trong khi chờ đợi sự vào cuộc tích cực hơn từ nhà sản xuất, người dùng xe bán tải có thể tự nâng cấp khả năng an toàn bằng việc lắp đặt thêm cảnh báo điểm mù và luôn đảm bảo tập trung khi lái xe để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra trên đường.

Tin mới

Các liên doanh ô tô nước ngoài của Trung Quốc mất đi ánh hào quang vì xe điện

Các liên doanh ô tô nước ngoài của Trung Quốc mất đi ánh hào quang vì xe điện

Trong nhiều năm, các nhà sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc có thể tin tưởng vào việc liên doanh với các thương hiệu lớn của nước ngoài như một nguồn lợi nhuận kỳ diệu. Nhưng báo cáo thu nhập mới nhất cho thấy những ngày đó có thể sắp kết thúc, khi những công ty đơn lẻ mới hơn như BYD đã thúc đẩy làn sóng điện khí hóa tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, trong khi các thương hiệu ô tô nước ngoài đang bị tụt lại phía sau.
Xe hybrid: “Cứu cánh” cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Mỹ?

Xe hybrid: “Cứu cánh” cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Mỹ?

Khi chính quyền Tổng thống Biden hạ mục tiêu sử dụng xe điện từ 67% xuống 35% vào năm 2030, họ đã làm được hai việc: tạo cứu cánh cho các nhà sản xuất ô tô đang cảm thấy áp lực phải sản xuất và bán xe điện trong khi dội một gáo nước lạnh lớn vào các công ty chỉ bán pin xe chạy bằng điện.
Tham vọng của BYD vượt xa cả xe điện

Tham vọng của BYD vượt xa cả xe điện

Các kế hoạch toàn cầu của công ty bao gồm từ mô-đun năng lượng mặt trời và xe buýt điện, xe tải và xe lửa cho đến các hệ thống giao thông phức tạp. Nhưng liệu BYD có đang cố gắng làm quá nhiều hay không là câu hỏi mà giới đầu tư quan tâm.