Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tìm nguồn hỗ trợ hơn 8 triệu khối cát san lấp

Xuân Nghi
Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và Tiền Giang được đề nghị hỗ trợ hai địa phương Hậu Giang và Cần Thơ tổng cộng khoảng 8 triệu m3 cát san lấp để phục vụ thi công dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, do nguồn vật liệu san lấp này đang thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng đến tiến độ dự án...
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang chờ cát. Ảnh: Ngô Chuẩn.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang chờ cát. Ảnh: Ngô Chuẩn.

Dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có tổng chiều dài 188 km, đi qua địa phận 4 tỉnh, thành gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng với 4 dự án thành phần, được khởi công toàn tuyến vào tháng 6/2023.

Bộ Giao thông vận tải, tại cuộc họp thông tin tình hình cung ứng vật liệu phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vừa qua đã cho biết, theo tính toán thì nguồn cát phục vụ san lấp thi công dự án vào khoảng 31 triệu m3. Tính toán ban đầu của cơ quan này là 28,91 triệu m3; trong đó, năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần 13,16 triệu m3 và năm 2025 là 8,95 triệu m3

Ở dự án thành phần 1 qua địa phận tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chịu trách nhiệm nhà nước về đầu tư, tính đến giữa tháng 02/2024, nguồn cát ở các mỏ tại địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu đắp cát nền cho dự án thành phần 1 và hiện các đơn vị nhà thầu đang hoàn tất hồ sơ đăng ký khai thác tại tất cả 4 mỏ trên địa bàn.

Ở dự án thành phần 4 qua Sóc Trăng, địa phương này cũng cho biết các đơn vị chức năng và nhà thầu đang hoàn thiện thủ tục để khai thác 7 mỏ cát trong quy hoạch, nhưng cơ bản nguồn cát đáp ứng nhu cầu dự án. Riêng hai dự án thành phần 2 và 3, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang cho biết, đang thiếu hụt nguồn cát đồng thời khẩn trương tìm nguồn hỗ trợ cát để đáp ứng tiến độ thi công dự án.

Cụ thể, theo Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ và Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có văn bản đề nghị các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và Tiền Giang hỗ trợ tổng cộng khoảng 8,2 triệu m3 cát. Bao gồm như sau: Tỉnh Vĩnh Long được đề nghị hỗ trợ Hậu Giang 1,8 triệu m3 và Cần Thơ 0,8 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp được đề nghị hỗ trợ Hậu Giang 2,6 triệu m3; tỉnh Tiền Giang được đề nghị hỗ trợ Cần Thơ 3 triệu m3.

Cần Thơ và Hậu Giang là hai địa phương gặp khó khăn về nguồn cát san lấp cho các dự án thành phần 2 và 3 qua địa bàn. Hiện nguồn cát chủ yếu được xác định vào khoảng 5 triệu m3 (đạt 38% tổng nhu cầu), nguồn khai thác từ An Giang nưng chưa hoàn thiện các thủ tục khai thác. Riêng Cần Thơ, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ cho hay đang chờ Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang cấp phép để khai thác phục vụ cho công trình. Tuy nhiên, mỏ cát được cấp phép ở An Giang chỉ hơn 2,2 triệu m3, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong năm 2024; còn lượng cát thiếu hụt của dự án gần 5 triệu m3 đang nhờ sự hỗ trợ của các tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.

Nguồn vật liệu cát san lấp thiếu hụt trầm trọng đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án cao tốc ở ĐBSCL, trong đó có cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với 8,2 triệu m3 đang cần hỗ trợ.
Nguồn vật liệu cát san lấp thiếu hụt trầm trọng đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án cao tốc ở ĐBSCL, trong đó có cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với 8,2 triệu m3 đang cần hỗ trợ.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện đang triển khai hàng loạt dự án cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, gồm: Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ (đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác), 4 dự án đang thi công là Cần Thơ – Cà Mau, 3 tuyến trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh – An Hữu. Tổng nhu cầu cát cho 4 dự án đang triển khai là khoảng 56 triệu m3. Mặc dù tổng trữ lượng cát ở đồng bằng sông Cửu Long, theo tính toán trước đó của Bộ Tài nguyên và Môi trường lên đến 120 triệu m3, thừa khả năng cung cấp cho các dự án cao tốc trọng điểm đang triển khai trong khu vực, nhưng thực tế sản lượng khai thác lại thiếu hụt trầm trọng.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã lưu ý và đề nghị các địa phương liên quan khẩn trương có giải pháp hiệu quả bảo đảm cung cấp đủ khối lượng vật liệu xây dựng phục vụ thi công. Cơ quan chính phủ này cũng đề nghị các đơn vị cần chủ động tìm kiếm nguồn cát thương mại sao cho bảo đảm tiến độ xây dựng theo yêu cầu.

 

Dự án đường bộ cao tốc (trục ngang) Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe. Dự án có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).  Dự kiến sẽ hoàn thành toàn tuyến và đưa vào sử dụng trong năm 2027.

Tin mới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Công nghệ mới - Yếu tố định hướng thị hiếu khách hàng thị trường ô tô lớn nhất thế giới

Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc đang trang bị thêm các phụ kiện công nghệ cao như một hướng đi mới cho xe của họ nhằm thu hút khách hàng. Các nhà điều hành và chuyên gia ô tô cho biết khách hàng Trung Quốc muốn ô tô của họ phải ngày càng "thông minh hơn".
Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhu cầu xe động cơ đốt trong bất ngờ tăng trở lại, ngành ô tô châu Âu trước nguy cơ rơi vào cảnh hỗn loạn

Nhìn bề ngoài, thị trường Tây Âu dành cho tất cả xe sedan và SUV vào năm 2024 đã chậm lại một chút nhưng có vẻ vẫn “khỏe mạnh”. GlobalData cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng của châu Âu sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên 11,98 triệu chiếc, chậm hơn nhiều so với mức tăng 13,9% của năm ngoái. Nhưng ngành ô tô ở châu Âu đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện chậm lại bất ngờ đặt ra câu hỏi về lượng vốn khổng lồ đầu tư vào phát triển chúng.
#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

#Auto Hashtag: Vấn đề chất lượng xe Trung Quốc trong con mắt của người dùng Việt

Một sản phẩm vay mượn có thể dễ dàng được hoàn thiện ở phần vỏ bên ngoài, nhưng rất khó để đạt được chất lượng và sự vận hành ổn định, bền bỉ ở bên trong. Trong nhiều năm, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã tìm cách khắc phục những sai lầm trước đó để mang đến những sản phẩm mới nhất và có giá trị nhất cho thị trường thế giới. Thế nhưng, để có thể thay đổi được những định kiến cũ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì xe Trung Quốc cần thời gian để hoàn thiện về chất lượng. Đó cũng là nội dung chủ đề sẽ được chúng tôi phân tích trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.