IMF: Ấn Độ sẽ vượt Nhật thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2025

Đức Anh
IMF ước tính GDP của Ấn Độ năm 2025 sẽ đạt 4,34 nghìn tỷ USD, trong khi của Nhật Bản là 4,31 nghìn tỷ USD...
Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản về tổng sản phẩm trong nước (GDP) danh nghĩa và trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2025, sớm hơn 1 năm so với dự báo trước đó của tổ chức này.

Cụ thể, IMF ước tính GDP danh nghĩa của Ấn Độ năm 2025 sẽ đạt 4,3398 nghìn tỷ USD, trong khi của Nhật Bản là 4,3103 nghìn tỷ USD.

Trong Báo cáo Triển vọng Thế giới tháng 10 năm ngoái, IMF dự báo Ấn Độ vượt qua Nhật Bản vào năm 2026. Dự báo mới được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2024 được điều chỉnh, trong đó IMF điều chỉnh nhẹ dự báo GDP bằng đồng nội tệ của cả hai quốc gia. Việc đồng yên lao dốc so với USD khiến GDP tính theo USD của Nhật sụt giảm và đẩy quốc gia này tụt hạng trong bảng xếp hạng các nền kinh tế trên thế giới.

Năm ngoái, Nhật cũng bị Đức vượt về GDP danh nghĩa. Nếu tiếp tục bị Ấn Độ qua mặt, Nhật sẽ tụt xuống vị trí thứ 5.

Khác với diễn biến đồng yên, tỷ giá đồng rupee của Ấn Độ so với USD gần như đi ngang kể từ đầu năm 2023 nhờ sự can thiệp của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI). Hiện đồng tiền này giao dịch ở mức khoảng 83 rupee đổi 1 USD.

Trong báo cáo vào tháng 12/2023 về Ấn Độ, IMF nhấn mạnh rằng sự can thiệp của nhà chức trách nước này đối với thị trường tiền tệ có thể đã vượt quá mức cần thiết. Đáp lại nhận định này, RBI nói rằng IMF đưa ra phân tích sai lầm khi chỉ dựa trên xu hướng tỷ giá trong ngắn hạn.

Nếu tiếp tục bị Ấn Độ qua mặt, Nhật sẽ tụt xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng nền kinh tế thế giới - Ảnh: Getty Images
Nếu tiếp tục bị Ấn Độ qua mặt, Nhật sẽ tụt xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng nền kinh tế thế giới - Ảnh: Getty Images

Năm 2014, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. IMF dự báo quốc gia Nam Á sẽ vượt qua Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027. Cũng là quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ hiện là thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới, sau khi vượt qua Nhật Bản về doanh số ô tô nội địa vào năm 2022. Hiện thị trường ô tô Ấn Độ chỉ xếp sau Trung Quốc và Mỹ.

Dù cũng chịu sự suy giảm kinh tế trong đại dịch Covid-19, Ấn Độ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, một phần nhờ dân số tăng nhanh. Năm ngoái, Ấn Độ vượt qua Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới với 1,425 tỷ người. RBI dự báo tăng trưởng GDP thực tế của nước này đạt 7% trong năm 2024.

Tuy nhiên, đáng chú ý là dù tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ đang tăng lên, GDP danh nghĩa trên đầu người của nước này hiện chỉ ở ngưỡng khoảng 2.500 USD, chỉ bằng khoảng 1/5 của Trung Quốc và gần tương đương Bangladesh.

Trong báo cáo cập nhật tháng 4/2024, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 3,2%, giữ nguyên dự báo của năm 2025. Các nhà kinh tế của tổ chức này nhận định có ít dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, bất chấp những biến động địa chính trị đang diễn ra, bao gồm cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Nền kinh tế Nga - quốc gia đang chịu một loạt biện pháp cấm vận của phương Tây - thậm chí được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế phát triển trong năm nay. IMF dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Nga đạt 3,2%, vượt qua Mỹ với mức tăng trưởng dự báo là 2,7%, Anh 0,5%, Đức 0,2% và Pháp 0,7%.

Tin mới

Những vấn đề đằng sau báo cáo thu nhập “bom tấn” của Toyota

Những vấn đề đằng sau báo cáo thu nhập “bom tấn” của Toyota

Giám đốc điều hành Koji Sato đã kết thúc năm đầu tiên nắm quyền lãnh đạo Toyota Motor Corp. bằng cách phá vỡ kỷ lục thu nhập của công ty khi đạt được những đỉnh cao mới về lợi nhuận, doanh thu và sản lượng. Nhưng ông Sato cũng cảnh báo rằng tăng trưởng doanh số bán hàng dự kiến sẽ hạ nhiệt, các ưu đãi của Mỹ có thể sẽ tăng lên và lợi nhuận có thể giảm nhẹ.
#Auto Hashtag: Vì sao Việt Nam là thị trường “khó nhằn” với các hãng xe Trung Quốc?

#Auto Hashtag: Vì sao Việt Nam là thị trường “khó nhằn” với các hãng xe Trung Quốc?

Từng mắc phải sai lầm lớn cách đây gần 20 năm, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tìm cách gỡ gạc và gia tăng độ phủ thương hiệu của mình tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam luôn là một thách thức với các thương hiệu xe Trung Quốc. Lý do nào cho thực trạng này? Và các nhà sản xuất ô tô quốc gia 1,4 tỷ dân này đang áp dụng những chiến lược mới gì? Hãy cùng chúng tôi phân tích chủ đề này trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.
Mỹ sắp mạnh tay áp thuế 100% với xe điện của Trung Quốc

Mỹ sắp mạnh tay áp thuế 100% với xe điện của Trung Quốc

Nhằm bảo vệ các nhà sản xuất ô tô Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden dự kiến sẽ công bố mức thuế mới cao tới 100% đối với xe điện của Trung Quốc và thuế nhập khẩu bổ sung đối với các hàng hóa khác bao gồm cả chất bán dẫn, sớm nhất là vào tuần tới.
Thêm thương hiệu ô tô Trung Quốc vào thị trường Việt Nam

Thêm thương hiệu ô tô Trung Quốc vào thị trường Việt Nam

Thương hiệu ô tô GAC đến từ Trung Quốc sẽ chính thức được Tập đoàn Tan Chong nhập khẩu, phân phối. Cụ thể, thương hiệu GAC sẽ được Tập đoàn Tan Chong phân phối thông qua công ty con TCSV (TC Services Việt Nam) và được uỷ quyền tham gia phân phối bán lẻ các loại ô tô, cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và phụ tùng thay thế theo pháp luật Việt Nam.