Tín hiệu hồi phục hàng không, "rã đông" du lịch, Việt Nam sắp đón 500.000 khách quốc tế

Ánh Tuyết
Từ “be bờ, đắp đất”, ngăn sóng dữ từ bên ngoài, Việt Nam thoát ly khỏi "Zero Covid" chuyển sang sống chung. Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết Việt Nam đang đẩy nhanh kế hoạch "mở cửa" bầu trời, nối lại đường bay quốc tế, với quy mô hành khách khoảng 500.000 người...

Chia sẻ tại hội thảo “Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn” ngày 10/11, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam xót xa: “Dặm đường xa gặp phải bão táp mưa sa do SARS-CoV-2 gây ra”. Việt Nam thấp thỏm nhiều lần định mở lại đường bay quốc tế nhưng đều không thành.

ĐÃ ĐẾN LÚC MỞ LẠI ĐƯỜNG BAY QUỐC TẾ

Tại Việt Nam, từ tháng 9/2020, Chính phủ có chủ trương nghiên cứu cụ thể các điều kiện để mở lại các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam với nhiều kịch bản, kế hoạch khác nhau nhưng đều tạm gác lại.

 

"Đã đến lúc phải xem xét mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế, đưa ra quy định, tạo điều kiện cho khách từ nước ngoài vào Việt Nam".

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

Nhớ lại thời điểm từ khi bùng phát dịch bệnh tháng 2/2020, gần 2 năm Việt Nam dừng các đường bay quốc tế. Tuy nhiên, ngay từ sớm, Việt Nam có những bước chuẩn bị rất quan trọng để duy trì các đường bay quốc tế trong bối cảnh hạn chế đi lại bằng đường hàng không.

Từ mùng 5 Tết, Chính phủ họp và lần lượt có những hạn chế trong việc di chuyển và hạn chế người nước ngoài vào Việt Nam. Đây là nguy cơ được đánh giá là tiềm ẩn khả năng lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào Việt Nam. Ngược lại, các chuyến bay xuất phát từ Việt Nam, chúng ta không hạn chế.

Có thể khẳng định, “về vận tải hàng không, chúng ta không bị đứt đoạn hoạt động vận chuyển. Hiện nay, với các đường bay quốc tế chúng ta vẫn duy trì. Dù không được thường lệ như trước đây, bởi nhiều nơi hạn chế các chuyến bay nhưng đã đến lúc phải xem xét mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế, đưa ra quy định, tạo điều kiện cho khách từ nước ngoài vào Việt Nam”, ông Cường nhấn mạnh.

Sau thời gian dài đóng cửa các đường bay quốc tế, hàng loạt quốc gia tiếp tục “rục rịch” mở cửa trở lại.

Ngày 8/11 vừa qua, Hoa Kỳ bắt đầu mở cửa biên giới đối với các du khách được tiêm đủ 2 liều vaccine, kết thúc các lệnh cấm nhập cảnh kéo dài 20 tháng.

Trước đó, lệnh đóng cửa biên giới được cựu Tổng thống Donald Trump ban hành, ảnh hưởng đến những công dân không mang quốc tịch Mỹ từ hơn 30 quốc gia, bao gồm Anh, các quốc gia thuộc EU, gây chia cách gia đình và khiến du lịch đình trệ.

“Đây là một sự kiện cực kỳ lớn đối với thế giới. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với thực trạng hành khách xếp hàng dài làm thủ tục nhập cảnh”, ông Cường cho biết.

Trước đó, Úc quyết định mở cửa biên giới sau 18 tháng để công dân Úc có điều kiện trở về thăm quê hương, thăm gia đình.

Ngày 1/1, Thái Lan có quyết định bổ sung cho công dân 17 quốc gia đến không phải cách ly, trong đó, có công dân Việt Nam. Singapore cũng vừa bổ sung 4 quốc gia Đông Nam Á vào danh mục đến Singapore không phải cách ly, gồm Việt Nam, Maylaysia, Campuchia và Indonesia.

RỘNG CỬA ĐÓN 500.000 KHÁCH QUỐC TẾ, NIỀM TIN VÀO SỰ PHỤC HỒI

Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2021, có hơn 274,2 nghìn người nhập cảnh qua đường hàng không, đảm bảo tuân thủ các quy định về nhập cảnh và phòng chống dịch Covid-19.

Đối với các chuyến bay giải cứu công dân, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác 5 Bộ, các hãng hàng không Việt Nam tổ chức hơn 400 chuyến bay “giải cứu” cách ly tại các cơ sở quân đội vận chuyển hơn 110 nghìn công dân về nước và gần 150 chuyến bay theo hình thức công dân tự chi trả toàn bộ chi phí cách ly (combo) tại khách sạn, xe đón, xét nghiệm… với hơn 30 nghìn công dân.

Toàn bộ các chuyến bay được thực hiện đúng nội dung được chấp thuận, thực hiện công tác cách ly theo quy định và công dân được về nước nghiêm túc tuân thủ chương trình do hãng hàng không xây dựng, không có vấn đề phát sinh đáng kể.

Văn bản này Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn vừa ký đề xuất mở lại bay quốc tế theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ quý 1/năm 2022 với tần suất mỗi tuần 4 chuyến đón khoảng 12.000 khách nhập cảnh/tuần.

 
“Kế hoạch này căn cứ từ thực tiễn, từ kinh nghiệm các nước và từ chính đòi hỏi của cuộc sống để tái lập các chuyến bay chở công dân, chở khách nước ngoài đến Việt Nam vì nhiều mục đích khác nhau như đầu tư, ngoại giao, nghiên cứu thị trường, thương mại, du lịch", ông Cường nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn kế hoạch mở lại đường bay quốc tế thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết có 2 nội dung chính.

Thứ nhất, tiếp tục các chuyến bay cứu hộ công dân, sử dụng rộng rãi hình thức khách tự trả chi phí cách ly (combo) khi nhập cảnh Việt Nam.

Kế hoạch cụ thể sẽ do Bộ Ngoại giao điều tiết, phù hợp với năng lực phòng chống dịch và khả năng tiếp nhận cách ly của các địa phương.

“Điều đó rất quan trọng để tạo niềm tin cho cộng đồng thế giới rằng Việt Nam từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh và công dân có điều kiện rất quan trọng để về nước thuận lợi hơn”, ông Cường nhấn mạnh.

Thứ hai, Việt Nam đã có quyết định thí điểm mở lại du lịch quốc tế. Đây là giai đoạn rất quan trọng để đánh giá thực tiễn, có thể ứng xử với những trường hợp có hành khách nhập cảnh là người nhiễm bệnh.

Kế hoạch được chuẩn bị rất chu đáo suốt từ tháng 5 đến nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cùng các bộ ngành, địa phương và sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, ban hành hướng dẫn cụ thể.

Ngay trong tháng 11, sẽ tiếp tục những chuyến bay đầu tiên đưa khách du lịch đến Việt Nam. Hiện đã có 2 chuyến bay đến Cam Ranh (Khánh Hòa), khách du lịch đến theo đề án thí điểm du lịch của 5 địa phương gồm: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang.

Sau đó, giai đoạn tiếp theo là mở cửa từng bước, trong đó có những thị trường trọng điểm Việt Nam quan tâm bởi năng lực chống dịch tương đồng như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga...

Tất nhiên, sẽ có những quy định cụ thể phòng chống dịch theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch.

Đánh giá quy mô thị trường, nguồn khách quốc tế hiện nay, ông Cường ước tính quy mô có thể nắm chắc chắn trước mắt khoảng 500.000 người.

Trích dẫn báo cáo Bộ Ngoại giao cách đây 2 tháng, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Nhu cầu công dân về nước khoảng 200.000 người trong khi số lượng combo hiện nay khá hạn chế, chỉ 4-5 chuyến/tuần. Thị trường này khá lớn nếu so sánh dự tính số lượng hành khách đi đường bay Hoa Kỳ 300.000 người/năm.

Dịp Tết Âm lịch nếu tạo điều kiện bà con Việt kiều về nước, gấp đôi con số đó. Bên cạnh đó, nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc, học tập tại Việt Nam, thân nhân mong muốn đến Việt Nam để ghé thăm cũng không nhỏ.

"Bộ phận khách quốc tế này khá lớn và đặc biệt quan trọng, cần quy định rõ điều kiện nhập cảnh và thực hiện cách ly y tế rõ ràng, ngay lập tức có ngay số lượng khách này", ông Cường nhấn mạnh.

 
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
“Sở dĩ các quốc gia có thể mở lại đường bay quốc tế là do quá trình tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn chống dịch và kiểm soát dịch bệnh, tiến bộ trong tiêm vaccine diện rộng trong dân cư, để tạo ra sức chống chọi với Covid-19.
Việt Nam thay đổi quan điểm rất căn bản từ năm 2020 đến nay, từ “be bờ đắp đất”, ngăn sóng dữ từ bên ngoài vào, thoát ly khỏi Zero Covid-19 sang sống chung với Covid. Quan điểm mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ là linh hoạt, thích ứng để phát triển kinh tế”.

Tin mới

BYD muốn định nghĩa lại “xe sang” trong kỷ nguyên xe điện

BYD muốn định nghĩa lại “xe sang” trong kỷ nguyên xe điện

Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD sẽ giới thiệu chiếc sedan đầu tiên nằm trong phân khúc cao cấp của mình tại triển lãm ô tô Bắc Kinh, nhằm thách thức những hãng như Mercedes-Benz của Đức, hãng mà ba năm trước đã rút khỏi sự phát triển của thương hiệu Denza, với lý do doanh số bán hàng chậm.
#AutoHashtag: Vì sao Ford nhiều năm “bất bại” trong phân khúc xe bán tải ở Việt Nam?

#AutoHashtag: Vì sao Ford nhiều năm “bất bại” trong phân khúc xe bán tải ở Việt Nam?

Khởi nguyên là dòng xe nhắm đến đối tượng khách hàng nông dân ở các vùng ngoại ô, ngày nay, những chiếc xe bán tải mang thương hiệu Mỹ, Ford, đang được đông đảo người dùng tại đô thị săn tìm. Vì sao dòng xe này phát triển mạnh tại Việt Nam và vì sao Ford lại thành công đến vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong chương trình Auto Hashtag ngày hôm nay.
Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon: Nguồn lợi tỷ USD cho VinFast trong tương lai?

Tín chỉ carbon có thể là một khái niệm xa lạ và không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc. Trên thế giới, khái niệm này đã được nhiều quốc gia áp dụng và nhiều công ty đã thu được nguồn lợi không nhỏ.